Barbara Walters, nữ nhà báo truyền hình hàng đầu trong thế hệ của bà và là người phụ nữ đầu tiên dẫn chương trình tin tức buổi tối ở một kênh truyền hình lớn của Mỹ, đã qua đời ở tuổi 93 vào hôm 30/12.
"Barbara Walters đã ra đi thanh thản tại nhà với những người thân yêu xung quanh. Bà đã sống một cuộc sống không có gì phải hối tiếc. Bà là người tiên phong không chỉ đối với các nhà báo nữ mà còn đối với tất cả phụ nữ", Cindi Berger, phát ngôn viên của Walters, nói với CNN trong một tuyên bố.
Barbara Walters đã vượt qua rất nhiều rào cản vô hình để trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong các bản tin truyền hình Mỹ. Bà bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1960, khi các giám đốc các đài truyền hình có quan điểm không coi trọng việc phụ nữ đưa tin về chính trị, chiến tranh hoặc các chủ đề quan trọng khác.
Bằng tài năng và nỗ lực của mình, năm 1974, Walters làm nên lịch sử ngành truyền hình khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đồng dẫn chương trình tin tức buổi sáng "Today" của kênh NBC. Năm 1976, Walters chuyển sang kênh đối thủ ABC với mức lương hàng năm lên đến 1 triệu USD và một lần nữa làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên dẫn chương trình cho một bản tin buổi tối của Mỹ. Đối tác bất đắc dĩ của Walters, Harry Reasoner, đã tỏ thái độ khinh bỉ đối với bà ngay cả khi họ đang lên sóng.
Walters nói với tờ San Francisco Examiner: "Những người đàn ông này thực sự khá gay gắt với tôi và điều đó không hề dễ chịu chút nào. Trong một thời gian dài, tôi không thể nói về khoảng thời gian đó mà không rơi nước mắt. Thật khủng khiếp khi ngày nào cũng vào phòng thu mà không ai nói chuyện với tôi".
Trước đó, chủ nghĩa phân biệt giới tính cũng được thể hiện rõ ràng khi Walters là thành viên của đoàn báo chí tháp tùng tổng thống Richard Nixon trong chuyến đi lịch sử tới Trung Quốc năm 1972. Khi đó Walters phần lớn bị các nhà báo nam xa lánh, những người coi bà như một kẻ tầm thường.
Tại kênh ABC, Walters ra mắt "The Barbara Walters Specials" và "10 Most Fascinating People" trước khi trở thành người đồng dẫn chương trình và phóng viên cho "20/20" vào năm 1984. Vào thời điểm đó, 3 kênh ABC, CBS và NBC là nguồn thông tin chính cho nhiều người Mỹ. Thành công của Walters đã mở ra con đường cho những thế hệ nữ nhà báo truyền hình tiếp theo.
Trong suốt 5 thập kỷ, Walters là cái tên phổ biến với các chương trình "Barbara Walters Specials" hay "The View" ra mắt 1977 - chương trình được tạo ra với quyết tâm đưa phụ nữ lên thảo luận tin tức và vấn đề thời sự. Chương trình này đã mở đường cho các chương trình trò chuyện của Mỹ như "The Talk" và "The Chew", cũng như "Loose Women" của Anh và "Studio5" của Na Uy.
Lynda Carter, diễn viên nổi tiếng với series truyền hình "Wonder Woman", nói về Walters: "Là nữ phát thanh viên quốc gia đầu tiên, bà ấy đã mở ra cơ hội vô tận cho rất nhiều cô gái muốn làm việc trong lĩnh vực truyền hình, trong đó có tôi. Tác động của bà ấy rất vĩ đại".
Walters sinh ngày 25/9/1929 tại Boston (Mỹ), có cha là chủ hộp đêm và bầu show sân khấu. Cô bé Walters lớn lên quanh những người nổi tiếng, đó là một lý do khiến cô sau này không bao giờ tỏ ra bối rối khi phỏng vấn họ.
Với nền tảng đó, Walters chọn học chuyên ngành sân khấu tại trường Đại học Sarah Lawrence ở New York. Bà bắt đầu sự nghiệp truyền hình với tư cách là trợ lý quảng cáo tại một chi nhánh của kênh NBC ở thành phố New York và xuất hiện lần đầu trên màn ảnh khi sản xuất một chương trình dành cho trẻ em "Ask the Camera". Walters cũng có một thời gian ngắn rời Mỹ để đến Châu Âu, nơi bà làm người mẫu ở Paris, Pháp.
Ngoài những vai trò tiên phong, danh tiếng của Walters còn được gia tăng nhờ hàng trăm cuộc phỏng vấn nổi tiếng bà đã thực hiện trong hơn 5 thập kỷ. Những người Walters đã phóng vấn bao gồm các tổng thống và đệ nhất phu nhân Mỹ, từ tổng thống thứ 37 Richard Nixon đến tổng thống thứ 44 Barack Obama (bà đã phỏng vấn Donald Trump trước khi ông trở thành tổng thống). Nữ nhà báo này cũng phỏng vấn các nhà lãnh đạo thế giới khác (Thủ tướng Indira Gandhi của Ấn Độ, Tổng thống Anwar Al Sadat của Ai Cập, Thủ tướng Menachem Begin của Israel, Vua Iran Mohammad Rezā Shāh Pahlavi, lãnh tụ Fidel Castro của Cuba, Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh, Tổng thống Saddam Hussein của Iraq, Tổng thống Boris Yeltsin và Vladimir Putin của Nga), các ngôi sao Hollywood, những người nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao hay cả những kẻ giết người.
Năm 1999, Walters có một cuộc phỏng vấn với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky sau khi mối tình vụng trộm với tổng thống Bill Clinton bị bại lộ. Cuộc phỏng vấn đã thu hút hơn 70 triệu người xem, trở thành chương trình tin tức được xem nhiều nhất vào thời điểm đó.
Walters trở nên nổi bật đến mức danh tiếng của bà đôi khi làm lu mờ những người mà bà phỏng vấn. Thời báo New York gọi bà là "nhân vật truyền hình được cho là nổi tiếng nhất nước Mỹ" nhưng cũng nhận xét rằng "điều chúng tôi nhớ nhất về cuộc phỏng vấn của Barbara Walters là Barbara Walters". Trong suốt sự nghiệp của mình, Walters đã giành được 12 giải Emmy, 11 trong số đó khi còn ở kênh ABC. Bà cũng được nhận 1 ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.
3 cuộc hôn nhân của Walters, với doanh nhân Robert Katz, nhà sản xuất sân khấu Lee Guber và nhà điều hành truyền hình Merv Adelson, đều kết thúc bằng ly hôn. Bà cũng từng hẹn hò với những người nổi tiếng như Alan Greenspan, cựu giám đốc Cục Dự trữ Liên bang và John Warner, người sau này trở thành thượng nghị sĩ bang Virginia. Câu chuyện tình yêu của Walters gây chú ý vào năm 2008 khi cuốn tự truyện "Audition: A Memoir" tiết lộ mối quan hệ tình cảm với cựu Thượng nghị sĩ Edward Brooke của Massachusetts, người lúc bấy giờ đã kết hôn.
Walters nói với AP trong cuộc phỏng vấn năm 2014: "Tôi hy vọng rằng mình sẽ được nhớ đến như một nhà báo giỏi và dũng cảm. Tôi hy vọng rằng một số cuộc phỏng vấn của tôi, không tạo ra lịch sử nhưng là nhân chứng của lịch sử. Tôi nghĩ rằng khi tôi nhìn vào những gì tôi đã làm, tôi có một cảm giác thành tựu mãnh liệt. Tôi không muốn tỏ ra kiêu hãnh và ngạo mạn nhưng tôi nghĩ mình đã có một sự nghiệp tuyệt vời và tôi rất vui vì điều đó".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn