Cuộc hành trình tạo “mật” cho cà phê Tây Nguyên

11:10 | 02/08/2021;
Là một người con của mảnh đất thấm đẫm hương vị cà phê Tây Nguyên, chị Trịnh Thị Lương (Pleiku, Gia Lai) đã cất công “đi tìm” cho cà phê một hương vị “mật ngọt” làm say đắm lòng người.

Honey – Hương vị ngọt ngào

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Tây Nguyên hẳn sẽ không quên được cái nắng, cái gió, cái màu mỡ của đất đỏ bazan mà chỉ ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng mới có. Nếu như ở đâu đó trên giải đất hình chữ S có hạt gạo là hạt ngọc của đất trời, thì Tây Nguyên có hạt cà phê được người dân ví như là hạt ngọc của đất trời Tây Nguyên.

Trước khi đến với lĩnh vực sản xuất cà phê, bản thân là một "tín đồ" của cà phê, nhưng chị Trịnh Thị Lương lại không hiểu gì về nó, ngon hay dở chỉ cảm nhận thông qua việc nhiều sữa, đường và bằng vị thơm của đậu, bắp, hương liệu. Chị có lúc thầm nghĩ: "Người phương tây sao họ lại có cách thưởng thức cà phê khác biệt như vậy? Họ cảm thấy hương vị cà phê qua điều gì?" và chị miệt mài đi tìm câu trả lời.

Cuộc hành trình tạo “mật” cho cà phê Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chị Lương đã tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình

Sống trên mảnh đất Tây Nguyên gần 30 năm, cảm nhận được giá trị của cây cà phê, hiểu được sự vất vả khổ nhọc của người nông dân và hơn hết chị mong muốn mang lại điều gì đó đóng góp cho quê hương. Lúc đầu, chị cũng cố gắng tìm tòi để tạo ra những hạt cà phê mộc mạc và nguyên chất với mong muốn giữ nguyên hương vị Tây Nguyên, nhưng khi triển khai thử nghiệm, chị mới nhận ra, đây là cách làm theo lối mòn, không thể tạo ra được sự khác biệt so với những dòng sản phẩm cà phê khác.

Sau cuộc hành trình dài đi tìm sự khác biệt, cùng với sự sáng tạo của bản thân và sự học hỏi những chuyên gia trong lĩnh vực "tạo nên hương vị say đắm", chị cũng học được cách chế biến cà phê "khác lạ" và đặt cho nó một cái tên ngọt ngào "Honey".

Khác với cà phê chế biến ướt là loại bỏ hết lớp chất nhầy trên bề mặt hạt cà phê, phương pháp cà phê chế biến Honey (bán ướt) là phương pháp tách vỏ cà phê rồi phơi khô chứ không cần phải để lên men, vì thế trên hạt cà phê vẫn giữ lại lớp thịt lụa bên ngoài. Với sự kết hợp hoàn hảo này, hạt cà phê sẽ có cả hương trái cây nhưng lại không quá đậm như chế biến khô, lại hòa lẫn thêm vị chua của chế biến ướt, vị ngọt, thơm nồng... mang đến cho các tín đồ cà phê một tách cà phê thơm ngọt nhẹ mùi mật ong với độ đắng vừa kèm vị chua nhẹ.

"Tôi muốn tạo ra dòng cà phê mang đầy đủ các yếu tố cần cho một ngày tràn đầy năng lượng, chính suy nghĩ đó đã thúc đẩy bản thân đến với con đường này", chị Lương chia sẻ.

Có trong tay "chìa khóa vàng" cho hương vị cà phê, năm 2019, chị Trịnh Thị Lương đã chính thức thành lập Công Ty TNHH MTV Dalasa Coffee để chuyên nghiệp hóa sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu cà phê của riêng mình.

Cuộc hành trình tạo “mật” cho cà phê Tây Nguyên - Ảnh 2.

Chị Lương và những sản phẩm của mình tại hội chợ và triển lãm

Sau một thời gian triển khai theo phương pháp sơ chế Honey, chị Lương đã nhận được rất nhiều phản hồi khen gợi của khách hàng đối với sản phẩm. Thông qua cách sơ chế này chị đã tạo ra được nhiều dòng sản phẩm như cà phê bột, cà phê hạt rang, cà phê hòa tan, cà phê phin túi lọc, túi khử mùi, hút ẩm và trà cà phê,…

Trải qua thời gian gần 3 năm kể từ khi thay đổi cách chế biến, sản phẩm Dalasa Coffee đã đạt chất lượng OCOP 3 sao vào năm 2019, đạt Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia cuộc thi cấp khu vực tổ chức tại Quảng Bình vào năm 2020. Năm 2021 doanh nghiệp được sự hỗ trợ miễn phí 100% của các sàn giao dịch lớn như Sendo và Vỏ sò. Hiện nay, các sản phẩm của Dalasa Coffee đang được sàng lọc, hoàn thiện để đưa vào vào chuỗi các hệ thống siêu thị lớn.

Nắm bắt được xu hướng kinh doanh thời công nghệ số, CEO Trịnh Thị Lương đã dẫn dắt doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nhiều phương pháp quảng bá sản phẩm như tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở mọi địa điểm, tham gia các cuộc thi, tìm các nhà phân phối trên thị trường toàn quốc, thực hiện các chương trình bán hàng tại chỗ, các chương trình khuyến mại, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng, các quán cà phê…

Đặc biệt, chị Lương còn thực hiện mô hình trải nghiệm thực tế bằng cách đưa du khách tham quan vườn cà phê mà doanh nghiệp đang liên kết với các hộ nông dân, giúp khách du lịch trải nghiệm quá trình thu hái, sơ chế và chế biến cà phê rồi thưởng thức những ly cà phê tự mình làm ra. Đây là hướng đi kết hợp sản phẩm với du lịch đang đầy tiềm năng.

Vững vàng vượt qua đại dịch

Cùng với sự ảnh hưởng chung của toàn xã hội trong dịch Covid-19, Dalasa Coffee được thành lập hơn 3 năm thì 2 năm đã bị ảnh hưởng bởi dịch, điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tất cả mọi hoạt động và kế hoạch gần như phải dừng lại.

Bên cạnh những thuận lợi vốn có, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về  nguồn vốn , trong khi việc xây dựng một thương hiệu đòi hỏi rất nhiều cả về tiền bạc và thời gian, nhất là khi doanh nghiệp định hướng theo con đường gắn liền với phát triển cộng đồng thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cuộc hành trình tạo “mật” cho cà phê Tây Nguyên - Ảnh 3.

CEO Trịnh Thị Lương đã dẫn dắt doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nhiều phương pháp quảng bá sản phẩm như tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, hội chợ, trưng bày...

"Kế hoạch dòng tiền cho một chu kỳ xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng. Muốn một sản phẩm tốt và chất lượng thì nguyên liệu đầu vào phải chuẩn. Do đó xây dựng đầu tư công nghệ cao là một điều mà doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn", chị Lương cho biết. Mặc dù vậy, Dalasa Coffee dưới sự dẫn dắt của chị Trịnh Thị Lương vẫn luôn cố gắng vượt qua, đứng vững trên thị trường bằng cách thay đổi nhiều về phương thức bán hàng, tiếp cận khách  hàng trong thời đại dịch.

Chị Lương cho biết, chị nhận được sự quan tâm của Hội phụ nữ các cấp, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đó là nguồn động viên rất lớn để các doanh nghiệp quyết tâm chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.

Chị Trịnh Thị Lương – CEO Công Ty TNHH MTV Dalasa Coffee;

Địa chỉ: 75 Huyền Trân Công Chúa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai;

Điện thoại: 0976107789;

Website: http://coffeedalasa.com/

Fanpage: Cà phê sạch Dalasa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn