Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn

An Khê - Ảnh: NVCC
26/07/2021 - 06:15
Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn

Với mong muốn mang lại giá trị sống cho những người khiếm khuyết, chị Lê Thị Mùi đã dành trọn tâm huyết cho dòng tranh nghệ thuật đặc biệt này

Giấy xoắn có lẽ là một cái tên và là một nghề khá lạ lẫm và ít ai biết tới, nhưng chị Lê Thị Mùi (sinh năm 1990), một phụ nữ ở xã Eakuang, huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk, đã phát triển nghề làm tranh giấy (Quilling), mang lại giá trị kinh tế cho những người phụ nữ khiếm khuyết. Hoạt động sả xuất kinh doanh này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Từ nghệ thuật đến giá trị kinh tế

Theo chị Lê Thị Mùi, tranh giấy cuộn hay nghệ thuật tranh bằng xoắn giấy có tên tiếng anh là Quilling, tranh được tạo nên bởi những dải giấy được cuộn lại rồi ghép các cuộn giấy đó lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn - Ảnh 1.

Chủ cơ sở kinh doanh Tranh giấy xoắn Lê Thị Mùi

Nguyên liệu tạo nên tranh giấy xoắn là những dải giấy đầy màu sắc, việc chế tác tranh giấy cần một chút tỉ mẩn, kiên nhẫn và khả năng hội họa thì bất cứ ai cũng có thể tự tay làm một bức tranh giấy xoắn cho riêng mình. Nghệ thuật giấy xoắn có thể ứng dụng vào bất cứ gì, từ việc làm một món đồ trang trí như móc khóa đến tờ lịch, thiệp handmade…

Năm 2017 chị Lê Thị Mùi có cơ duyên làm quen với bộ môn tranh giấy xoắn và say mê nó lúc nào không hay. Tự tay làm ra những sản phẩm nghệ thuật từ giấy, rồi niềm say mê đó lại giúp chị có thêm thu nhập, chị Lê Thị Mùi càng tâm huyết và dành thời gian cho việc sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, chị cũng chưa hề nghĩ tới việc phát triển mở rộng loại hình nghệ thuật này.

Năm 2018, sau một lần tiếp xúc với Hội LHPN xã Eakuang, Mùi được chị Lê Thị Kim Lài (Chủ tịch Hội LHPN xã) trao đổi, làm công tác tư tưởng và hứa sẽ đồng hành cùng chị Mùi phát triển nghề làm tranh giấy này. Nhận thấy những giá trị mà tranh giấy xoắn mang lại cho bản thân cũng như cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương, chị Mùi quyết định dành trọn tâm huyết cho dự án.

Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Eakuang với số vốn là 20 triệu đồng và được vay thêm nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách 50 triệu đồng, chị Mùi bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

"Nghề này không khó, chỉ đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ, làm dựa trên mẫu mã có sẵn. Với đặc thù như vậy, sẽ phù hợp với các chị em có con nhỏ, không có điều kiện đi làm, có thể nhận về làm thêm để tăng thu nhập trong những lúc nhàn dỗi. Đặc biệt, đối với chị em khó khăn và khuyết tật, thì đây là một cơ hội để mưu sinh, xóa bỏ tự ti trong cuộc sống", chị Mùi chia sẻ.

Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết

Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn - Ảnh 3.

Để làm ra những sản phẩm thực sự có chất lượng cả về mặt mỹ thuật và ứng dụng, chị Mùi đã đào tạo bài bản cho các chị em phụ nữ

Để làm ra những sản phẩm thực sự có chất lượng cả về mặt mỹ thuật và ứng dụng, năm 2019 chị Mùi đã thực hiện đào tạo bài bản cho các chị em phụ nữ trong xã, thành công đào tạo 15 thợ có tay nghề ổn định và 3 thợ là em khuyết tật. Sau khi đào tạo chị Mùi chủ động tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm để mang về thu nhập cho chị em. Bước đầu sản phẩm từ tranh giấy xoắn đã có mặt trên thị trường, tại một số siêu thị huyện Phù Cát (Bình Định), Đà Lạt (Lâm Đồng), Tp.HCM… và các khu vực tại tỉnh nhà. Công việc ổn định giúp các chị em phụ nữ có thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, với sự đồng hành của các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, chị Mùi mạnh dạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh và đạt Giải Nhì, được sự hỗ trợ về vốn để tiếp tục thực kiện các kế hoạch dài hơi đối với nghề tranh giấy giấy xoắn.

Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn - Ảnh 4.

Các sản phẩm được làm ra từ tâm huyết và tình yêu nghề của mỗi nhân công

"Hiện nay, có 8 nhân công được trả lương ổn định hàng tháng từ 4-5 triệu đồng, 10 nhân công nhận gia công tại nhà với mức lương tùy theo sản phẩm, 12 nhân công là thợ lành nghề tại cơ sở Gia Lai được trả lương theo sản phẩm. Tôi mong muốn cơ sở tranh giấy xoắn sẽ tiếp tục tạo việc làm cho thêm nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật", chị Mùi cho biết.

Với mong muốn mang lại giá trị sống cho những người khiếm khuyết, chị Lê Thị Mùi đã dành trọn tâm huyết cho dòng tranh nghệ thuật đặc biệt có giá trị kinh tế này. Tuy nhiên, chị cũng đứng trước những thách thức lớn do đây là dòng tranh nghệ thuật mới, không được nhiều người biết đến, cần có một quá trình "làm quen" với thị trường. Cùng với đó là sản phẩm rất đa dạng, việc đăng ký bản quyền mẫu mã cho sản phẩm để bảo vệ thương hiệu cũng là một quá trình còn dài phía trước.

Thêm nữa, việc đào tạo nhân công mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là quá trình đào tạo chị em phụ nữ khuyết tật cũng sẽ lâu hơn, dẫn đến nhân lực còn thiếu.

Tuy nhiên, với chị Mùi, những bước đi đầu tiên chậm mà chắc đã phần nào mang đến cho chị sự động viên lớn lao. Những sản phẩm tranh, thiệp handmade, quà lưu niệm, hoa… được làm từ giấy xoắn đã được một số thị trường đón nhận và có cơ hội phát triển đầy tiềm năng trong tương lai.

Mang lại giá trị sống cho người khiếm khuyết từ tranh giấy xoắn - Ảnh 5.

Một mẫu thiệp handmade

Theo định hướng của chị Mùi, trong thời gian tới chị sẽ hướng đến thị trường sản phẩm du lịch và thị trường nước ngoài. Cùng với đó là chuyên nghiệp hóa khâu quảng bá sản phẩm, tuyển chọn đội ngũ marketing chuyên nghiệp, tham gia thị trường online, tham gia các sàn thương mại điện tử…

Chị Lê Thị Mùi - Chủ cơ sở kinh doanh Tranh giấy xoắn Lê Thị Mùi.

Địa chỉ: Thôn Phước Hòa 1, xã Eakuang, Krông pak, Đắk Lắk.

Email: nguyennhan12021990@gmail.com.

Điện thoại: 0839472737.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm