pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khởi nghiệp với những chiếc bánh bột lọc "rất Huế"
Chị Nguyễn Thị Lợi là Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng
Ý tưởng khởi nghiệp này đã mang lại cho Tổ hợp tác làm bánh giải Ba hội thi "Ýtưởng khởi nghiệp năm 2020" do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Chinh phục những người "sành ăn"
Ý tưởng kinh doanh bánh lọc Huế của chị Lợi được bắt nguồn từ việc nhận thấy giá trị của bánh lọc và các loại bánh Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh đúc… đối với ẩm thực Huế nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung. Bánh xứ Huế không chỉ nức tiếng ở mảnh đất hình chữ S mà danh tiếng đã bay ra thế giới. Chính vì vậy, chị Lợi quyết định khởi nghiệp với loại bánh có khả năng "chinh phục" những người "sành ăn" này.
Dựa vào những lợi thế ban đầu ấy, chị Lợi bắt đầu nghiên cứu phương án sản xuất chuyên nghiệp, bài bản hơn. Chị nhận thấy một số hội viên phụ nữ ở Đạ Lây đã có kinh nghiệm, tay nghề làm bánh cao, đa số đều làm nông nghiệp là công việc chính, thu nhập không ổn định, làm bánh chỉ là nghề phụ, trong khi đó thị trường tiêu thụ bánh lọc Huế rất lớn. Chị Lợi nhấn thấy nghề làm bánh có thể tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Chị Lợi cho biết: "Hội viên phụ nữ xã Đạ Lây đa số là người gốc Huế, làm các loại bánh rất ngon, các chị đã biết tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn để bảo tồn món ăn truyền thống, đặc sản của người Huế. Bánh thích hợp cho các mùa trong năm, trong các bữa chạp giỗ gia đình, hay tiệc sang trọng.
Khảo sát tình hình thực tế ở các chi hội cho thấy số hội viên phụ nữ đã làm có hiệu quả trong nhiều năm, cho thu nhập cao, giải quyết lao động nhàn rỗi.
Tuy nhiên, do chưa có tổ chức đứng ra để quản lý, điều hành, tìm đầu ra cho sản phẩm, một số hộ dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất khép kín. Việc tập hợp hội viên thành lập tổ hợp tác sản xuất bánh lọc Huế sẽ giúp hội viên phụ nữ tiết kiệm chi phí, tạo thương hiệu bánh Huế, nguồn cung cấp phong phú hơn".
Tháng 3/2019, chị Nguyễn Thị Lợi đã đứng ra thành lập tổ hợp tác B"ánh lọc Huế - Rất Huế" của Hội LHPN xã Đạ Lây, thu hút được nhiều hội viên tham gia. Từ số lượng ban đầu tổ hợp tác có 8 thành viên, hiện nay đã có 20 hội viên tham gia, là những người có tay nghề cao, có kinh nghiệm được lưu truyền từ nhiều thế hệ, khéo léo, tỉ mỉ, tận tụy trong từng sản phẩm.
Kết hợp ẩm thực và du lịch sinh thái
Hiệu quả của mô hình tổ hợp tác làm bánh Huế đã thấy rõ rệt, tuy nhiên khi đi vào hoạt động, hội viên phụ nữ vẫn làm tự phát và chưa theo quy trình khép kín. Đầu ra tùy thuộc vào khả năng của mỗi gia đình, vì vậy có hộ thành công, nhưng có hộ thất bại. "Bánh bột lọc Huế - Rất Huế" do chị Lợi điều hành đã giải quyết vấn đề bất cập này.
Theo chị Lợi, tuy là đặc sản, món ăn truyền thống vùng miền, có sự cạnh tranh trên thị trường nhưng bánh lọc Huế vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của mỗi gia đình và tổ chức Hội còn hạn chế, việc tạo thương hiệu cho bánh Huế là một quy trình khó khăn, việc tìm nguồn ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Bắc và nước ngoài là một thử thách lớn.
Để tạo ra môi trường tiêu thụ đặc biệt, chị Lợi cùng các thành viên của tổ hợp tác định hướng gắn các sản phẩm ẩm thực với du lịch ẩm thực bằng cách kết hợp ăn bánh với thưởng thức trà cung đình Huế và ngắm cảnh nhà vườn Huế. Sau những chặng đường du lịch trong những vườn cây ăn trái trĩu quả, những thác nước trong xanh mát lành, du khách sẽ dừng chân để được chiêm ngưỡng những công đoạn làm bánh tinh xảo, khéo léo, tỉ mỉ, tận tụy mang cả tấm lòng người con xứ Huế vào trong từng nét bánh.
"Ưu điểm của việc sản xuất bánh Huế là hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm bánh. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu thành phẩm đều được tiến hành kỹ lưỡng nhờ kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm. Vùng sản xuất nguyên liệu được quy hoạch sạch sẽ, kiểm duyệt nguyên liệu chặt chẽ; không sử dụng bất cứ một loại phụ gia nào, quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền nghề", chị Lợi cho biết.
Dự án "Bánh bột lọc Huế - Rất Huế" của tổ hợp tác Hội LHPN xã Đạ Lây không chỉ mang lại việc làm, thu nhập cho các thành viên trong tổ mà còn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân các cấp, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" của các cấp Hội phụ nữ, tạo khí thế thi đua sôi nỗi trong các tầng lớp hội viên phụ nữ, phong trào còn lan rộng trong nhân dân toàn xã. Cùng với đó, sản phẩm bánh bột lọc Huế sẽ cung cấp ra thị trường, đưa thương hiệu "Rất Huế" đến với người tiêu dùng trên đại bàn huyện Đạ Tẻh và các huyện, tỉnh lân cận, giới thiệu thương hiệu bánh Huế với du khách thế giới.
Chị Lợi cho biết, trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn hàng có giảm, nhưng tổ hợp tác vẫn đảm bảo số lượng bánh đến với người tiêu dùng với phương châm không tăng giá, chỉ tăng chất lượng. Trong tương lai, để phát triển thương hiệu trong tình hình bình thường mới, chị Lợi cùng tổ hợp tác quyết định mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ, đại lý, bán hàng online qua facebook, zalo, website, các trang thương mại điện tử; xây chuỗi thương hiệu "Bánh lọc Huế - Rât Huế" tại các tỉnh trên cả nước kết hợp làm bánh và du lịch sinh thái
Hiện nay, nhờ vào dự án "Bánh bột lọc Huế - Rất Huế", mỗi hộ trong tổ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay có 20 hộ làm bánh với 72 lao động thường xuyên, trong đó có 60 lao động nữ được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, người sáng lập tổ hợp tác "Bánh bột lọc Huế - Rất Huế".
Địa chỉ: xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Điện thoại: 0353621077.