Chị Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, con gái đầu là bé T.N.N.T. (14 tuổi) được phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot lúc 5 tháng tuổi. Sau đó, bé đã được phẫu thuật sửa chữa "triệt để" tứ chứng fallot, sức khỏe được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, bé vẫn đều đặn khoảng 1-2 tháng lại phải đến bệnh viện tái khám do sau phẫu thuật vẫn phải đối mặt với nhiều diễn tiến phức tạp.
Cách đây 4 năm, T. được phát hiện bị hở van động mạch phổi nặng và được chỉ định thay van động mạch phổi. "Trong quá trình bé chờ phẫu thuật thì gia đình nhận được thông tin bé có thể phẫu thuật bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da, không cần phải mổ hở. Đây là phương pháp mới, hiệu quả", chị Thanh nhớ lại.
Tuy nhiên, lúc này, chị phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là chi phí để phẫu thuật lên đến hơn 580 triệu đồng trong khi cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. May mắn, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, một số đơn vị cộng với vay mượn từ nhiều nơi, chị Thanh đã lo đủ tiền phẫu thuật cho con. Ca phẫu thuật thay van động mạch phổi qua da cho bé T. sau đó đã được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã diễn ra thành công.
Sau gần 2 giờ can thiệp thay động mạch phổi qua da, sức khỏe bé T. ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau; kết quả siêu âm tim và điện tim tốt. Bé được xuất viện sau 3 ngày theo dõi, tái khám sau 1 tuần xuất viện.
"Gia đình vất vui, phấn khởi khi bé được phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật thì bé phục hồi tốt, đi học cùng các bạn. Nếu phẫu thuật này được bảo hiểm chi trả thì sẽ rất tốt, tạo điều kiện cho nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận", chị Thanh chia sẻ.
Chị Mai Thị Thùy (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, con gái M.T.Q. (10 tuổi) cũng được phát hiện bị tứ chứng fallot lúc 7 tháng tuổi và đã được phẫu thuật sửa chữa "triệt để" tứ chứng fallot năm 2 tuổi. Gần đây, bé được phát hiện bị hở động mạch phổi và sau đó cũng đã được phẫu bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua.
Chị Thùy cũng mong muốn chi phí phẫu thuật sẽ được bảo hiểm y tế chi trả để giúp các bé có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tiếp cận với kỹ thuật mới này.
Giảm nguy cơ biến chứng do mổ mở
GS.TS.BS Trương Quang Bình, chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, ngay cả khi được phẫu thuật sửa chữa tứ chứng fallot, bệnh nhi vẫn có thể đối mặt với những diễn tiến sau phẫu thuật và cần được tái khám, theo dõi đều đặn. Những diễn tiến sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng fallot có thể kể đến như hở van động mạch phổi, suy chức năng thất phải, rối loạn nhịp tim…
Trong đó, hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật tứ chứng fallot gây giãn buồng tim phải dẫn đến hở van ba lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử. Người bệnh cần được điều trị hở van động mạch phổi bằng phương pháp thay van để cải thiện quá trình suy tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp tim và đột tử, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh phương pháp mổ hở, kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở) để thay lại van tim, giảm các nguy cơ biến chứng do mổ mở.
TS.BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, có khoảng 20-30% trẻ sau phẫu thuật sửa chữa "triệt để" tứ chứng fallot có biến chứng hở van động mạch phổi nặng. Khuynh hướng chung, việc can thiệp van động mạch phổi càng sớm càng tốt, không để dẫn tới suy tim, ảnh hưởng đến chất lượng của người bệnh.
Theo bác sĩ, thay van động mạch phổi qua da là kỹ thuật mới. Tới nay, ghi nhận các ca thay van động mạch phổi trên thế giới cho thấy, thời gian thay van đã lên đến hơn 7 năm và chưa có trường hợp nào phải thay lại.
Được biết, đến nay, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện thành công 5 ca thay động mạch phổi qua da, tất cả đều không xảy ra biến chứng.
Tứ chứng fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim bao gồm: hẹp phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, thông liên thất và phì đại thất phải. Nếu không được can thiệp phẫu thuật, diễn tiến tự nhiên của bệnh thường dẫn đến tăng tỷ lệ các biến chứng, giảm tuổi thọ và thậm chí tử vong.
Trẻ bị tứ chứng fallot cần được phẫu thuật kịp thời. Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng tím của trẻ, các dị tật và bệnh lý phối hợp đi kèm, tuổi, cân nặng.. Thông thường, thời điểm phẫu thuật khi trẻ từ 6-12 tháng tuổi.
ThS.BS Phạm Trọng Phú, Khoa Phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn