Đào tạo về du lịch “gặp khó” trong đại dịch Covid-19

18:20 | 18/11/2021;
Sáng nay (18/11), Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đào tạo về du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID – 19, Quốc tế hoá và Cách mạng công nghệ lần thứ tư” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo khoa học là diễn đàn học thuật để chia sẻ, trao đổi, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận các vấn đề liên quan đến ba chủ đề trọng tâm về đào tạo ngành du lịch:  Đào tạo về du lịch trong bối cảnh đại địch COVID – 19; Đào tạo về du lịch trong bối cảnh quốc tế hoá và toàn cầu hoá; Giáo dục đại học về du lịch và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hệ thống các cơ sở đào tạo về du lịch đã phát triển nhanh với hơn 100 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo với cơ chế, chính sách đặc thù. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, dẫn đến người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch, mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp bị đứt gãy, dẫn đến cơ hội thực hành, thực tập, việc làm tại doanh nghiệp gần như không còn; vì vậy, chất lượng đào tạo ngành du lịch thời gian vừa qua cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Đào tạo về du lịch “gặp khó” trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến

Tác động của đại dịch sẽ còn kéo dài nhiều năm, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo. Sự chủ động chuyển đổi số của ngành du lịch, nhanh chóng triển khai du lịch an toàn, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ tạo động lực, cơ hội cho đào tạo ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự chủ động thích ứng và thay đổi của các các cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò quan trọng. Nhà trường tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các doanh nhân trong đào tạo nhân sự ngành du lịch, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng tham vọng về việc làm ngành du lịch như trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã phê duyệt và đáp ứng được nhu cầu học ngành du lịch vẫn rất cao của xã hội.

Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo du lịch nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, phân tích thực trạng đào tạo đại học các ngành du lịch trong 2 năm qua, xác định các yếu tố tác động đến thực trạng này, phân tích các khó khăn, thách thức và cơ hội do đại dịch Covid-19, xu hướng quốc tế hoá và giáo dục đại học 4.0. Các giải pháp, hàm ý chính sách và các đề xuất thực hành tốt dành cho các cơ sở đào tạo để thích ứng tốt với bối cảnh, gia tăng quy mô đào tạo và kiểm soát chất lượng đại học các ngành du lịch trong sự gắn kết chặt chẽ với sự phục hồi của các doanh nghiệp và sự chủ động triển khai các giải pháp tự thân của các trường đại học.

Tại hội thảo cũng đã công bố Thoả thuận hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên- đánh dấu sự hợp tác chiến lược và bền chặt giữa hai đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn