Đẩy mạnh sản xuất theo quy mô hàng hóa, tăng hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều

19:00 | 04/10/2024;
Tận dụng những kiến thức tích lũy nhiều năm từ nghề nuôi ngao, bà Nguyễn Thị Biên, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã chủ động được nguồn giống ngao, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình bà nói riêng và nghề nuôi ngao nói chung tại địa phương và những vùng lân cận.

Sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Biên (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gắn liền với biển cả. Nhận thấy vùng biển quê Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nuôi trồng và khai thác thủy sản, năm 2005, bà đã quyết định đầu tư vào nuôi ngao.

Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, bà Biên đã trở thành tỷ phú nuôi ngao với doanh thu đạt 150 tỷ đồng/năm. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong số các nông dân xuất sắc năm 2024, được vinh danh tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Mở ra cơ hội mới cho nghề nuôi ngao

Bà Nguyễn Thị Biên chia sẻ, gia đình bà đã có hơn 20 năm làm nghề sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm ngao. Lúc ban đầu, bà thu mua, làm đại lý chuyển ngao đi tiêu thụ ở các trung tâm đô thị lớn. Nguồn ngao khai thác là ngao tự nhiên, trải qua thời gian, nguồn thủy hải sản tự nhiên cạn kiệt dần, không đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, gia đình bà đã nhận 3ha để khoanh nuôi và khai thác ngao. Những ngày ban đầu, nghề nuôi ngao vất vả lắm, bởi kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, kinh nghiệm ít nên chi phí đầu tư ban đầu cao.

Hình thức nuôi ngao vẫn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nhất là nguồn giống đều phát tán theo môi trường dòng nước. Năm nào thời tiết thuận vào mùa ngao nở, con nước đi qua đúng dịp thì có thu. Song cũng có không ít gia đình, trong đó có nhà bà Biên bị thua lỗ nhiều năm.

Không nản, bà dành thời gian theo dõi những năm được mùa và so sánh với những năm mất mùa, tự rút ra cho mình những kinh nghiệm thực tế. Từ đó, bà dần chú ý nhiều hơn tới các chu kỳ sinh trưởng của con ngao để tìm ra quy luật phát triển của loài nhuyễn thể này.

Với niềm đam mê nghiên cứu, bà Biên đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao. Từ đó có thể tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường. Đây là một bước ngoặt đáng kể, quyết định nhiều đến hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều tại địa phương.

Đẩy mạnh sản xuất theo quy mô hàng hóa, tăng hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Biên hiện nuôi gần 50 ha ngao xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Hữu Dụng.

Liên kết để phát triển thương mại vùng biển đảo

Việc chủ động nguồn giống ngao đã đem đến cơ hội mới cho gia đình bà Nguyễn Thị Biên nói riêng và nghề nuôi ngao tại Thanh Hóa nói chung. Từ chỗ chỉ phụ thuộc vào nguồn ngao trong tự nhiên, bà đã chủ động được việc sản xuất ngao giống để phục vụ gia đình cũng như tăng thu nhập từ bán giống. Cùng với đó, gia đình bà liên kết thu mua và tiêu thụ lượng lớn ngao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Hiện gia đình bà Nguyễn Thị Biên có gần 50 ha nuôi ngao. Trong đó có 45 ha nuôi ngao thương phẩm, 5 ha chuyên sản xuất giống. Gia đình bà cũng đang nuôi ngao ở nhiều nơi như: huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) và các tỉnh khác như TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Mỗi năm cơ sở nuôi ngao của bà Biên cung cấp giống nuôi cho diện tích trên 1.000 ha, sản lượng nuôi trồng và thu mua trên 100.000 tấn ngao thương phẩm. Gia đình bà đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 80 lao động địa phương, với thu nhập từ 8-10 triệu/tháng. Lúc cao điểm gia đình bà còn thu hút đến 150 lao động thời vụ.

Không chỉ vậy, bà còn tích cực tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh... cho các hộ gia đình nuôi ngao, để những người nông dân cùng chung sức làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn