pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kích cầu tiêu thụ đặc sản vùng miền, kết nối phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa
Nông đặc sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của miền núi, vùng sâu, vùng xa được giới thiệu tới người tiêu dùng
Phiên chợ diễn ra từ nay đến hết ngày 18/8 tại Khu hội chợ Triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) với sự tham gia của 120 gian hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh thành như Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên…
Tham gia phiên chợ có hơn 30 gian hàng của 11 huyện, thành phố, tỉnh Lạng Sơn, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương; trong đó tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: hoa hồi, quả mắc mật khô, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, chanh rừng - gà 6 ngón Mẫu Sơn, một số loại cây dược liệu… Với việc phối hợp tổ chức phiên chợ, tỉnh Lạng Sơn mong muốn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản để tìm kiếm cơ hội kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân cả nước và trọng tâm là Thủ đô - Hà Nội.
Cùng với quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn, phiên chợ có quy mô trên 70 gian hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh thành như: Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Bình Thuận, Cần Thơ, Cà Mau…
Đây là dịp người tiêu dùng thủ đô tham quan, mua sắm đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản được sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản nổi tiếng như: trà Thái Nguyên, ổi Linh Sơn, hành tỏi Lý Sơn... và các sản phẩm thủy sản và nhiều sản phẩm nông đặc sản chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Chị Hoàng Bích Ngọc, đến từ Lạng Sơn, chia sẻ: Đây là chương trình kết nối mang ý nghĩa thiết thực, được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường. Đồng thời, chương trình hướng vào thị trường trong nước; tập trung tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản sạch, an toàn và tạo cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ. Từ đó kích cầu tiêu thụ các nông sản, sản vật của khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Để bắt nhịp với nhu cầu hiện đại, phiên chợ cũng đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương. Không chỉ trưng bày và giới thiệu sản phẩm, điểm nhấn tại phiên chợ là hoạt động livestream bán nông đặc sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, đưa sản phẩm lên "chợ số" với mong muốn tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng, đưa sản phẩm của miền núi, vùng sâu, vùng xa đến với mọi miền và vươn ra thế giới.