Cơ sở sản xuất sạch của chị Trần Thị Lan, ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là một trong những địa chỉ cung cấp các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận, lựa chọn. Phát huy tài nguyên của một huyện ven biển, cơ sở của chị Lan đang sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là bột gừng sấy lạnh, bánh cốm gạo lứt mè quê và ngũ cốc cao cấp.
Chị Lan chia sẻ, hiện nay, với các sản phẩm được sản xuất từ nông sản tiêu thụ khá thuận lợi, doanh thu từ năm 2021 đến nay đạt trên 1,2 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, cơ sở của chị Lan đã kết nối được với nhiều nhà phân phối lớn, các đại lý trong và ngoài tỉnh, nên việc tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, phụ nữ
Những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ và vận động phụ nữ sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương.
Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, Global Gap đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; quy trình xây dựng, nhân rộng mô hình theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hướng dẫn đăng ký nhãn mác sản phẩm.
Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, đưa sản phẩm của phụ nữ đến với nhiều tỉnh, thành phố để quảng bá; đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ kinh doanh ký kết được hợp đồng phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương.
Nhiều sản phẩm của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là các chị em lại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đã và đang dần khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tiêu biểu như: bánh tét Đại An Khê của THT bánh tét Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng); bánh ít lá gai Sáu Nhàn của cơ sở sản xuất bánh ít lá gai Lê Thị Sáu (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong); miến ngũ sắc Loan Hảo của cơ sở sản xuất Loan Hảo (xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh)…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn