pnvnonline@phunuvietnam.vn
Còn nhiều rào cản khi đưa sản phẩm vùng DTTS lên sàn thương mại điện tử
Nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có mặt trên các kênh bán hàng online
Hợp tác xã 3T Farm huyện Cao Phong - Hoà Bình là mô hình tiên phong xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số, mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ ở tỉnh Hòa Bình.
Tại Tọa đàm "Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm cho biết: Sử dụng các kênh thương mại điện tử có thuận lợi là tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh và tiếp cận được đến số đông và đến được phân khúc khách hàng mục tiêu mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử, hợp tác xã phải đối diện với không ít khó khăn. Trước hết là thành viên hợp tác xã 100% là nông dân, trong đó có 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, nên kiến thức về công nghệ của gần như là bằng 0 nên chưa khai thác, sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, do đặc thù sản phẩm của hợp tác xã là nông sản tươi nên quá trình vận chuyển rất dễ bị hư hỏng, bị méo dập… Những hạn chế này là rào cản để đưa sản phẩm của hợp tác xã bán rộng rãi trên các nền tảng online, sàn thương mại điện tử.
3 nhóm khó khăn khi đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên các nền tảng thương mại điện tử
Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương qua các kênh thương mại điện tử thời gian qua, ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Đứng ở góc độ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chúng tôi có thể thấy được 3 nhóm khó khăn chính.
Đầu tiên về vấn đề về bảo vệ thương hiệu và cạnh tranh. "Rõ ràng chúng ta thấy khi mà sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp ở địa phương lên trên các sàn thương mại điện tử thì sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Và nếu mà trong trường hợp các sản phẩm này không đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp các vấn đề liên quan đến chống cạnh tranh.
Việc vi phạm trên môi trường thương mại điện tử để xử lý được thì gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến việc người tiêu dùng bị hạn chế trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm, thông tin của hàng hóa", ông Nguyễn An Sơn nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến nguồn nhân lực, nguồn nhân lực ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển thương mại cho sản phẩm của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vùng đồng bào của dân tộc thiểu số và miền núi.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến quy trình đổi mới, quy trình công nghệ. Ông Nguyễn An Sơn giải thích: "Trước đây, chúng ta cứ hình dung là để đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử, thì phải bỏ ra các chi phí liên quan đến tạo website hay sử dụng công cụ để quản lý đơn hàng… Nhưng chúng ta bỏ quên đi một chi phí khá lớn liên quan đến chuyển đổi về mặt quy trình sản xuất, chuyển đổi về mặt quy trình bán hàng trong doanh nghiệp. Chi phí sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp có thể chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử".
Ngoài ra, còn phải kể đến những khó khăn về các phương thức cạnh tranh trên thương mại điện tử như khuyến mại, giá bán…
Hỗ trợ đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên sàn thương mại điện tử
Để hỗ trợ đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn An Sơn cho biết: Hiện nay Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì chương trình Go Online, triển khai theo đề án "Phát triển doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Cục cũng triển khai các chương trình hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn thế giới để sản phẩm đặc sản đặc biệt của Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn An Sơn, để tham gia được vào Chương trình của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp cần phải lưu ý những điểm sau:
Đầu tiên là doanh nghiệp tại địa phương cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, nhân sự trong doanh nghiệp sẵn sàng ứng dụng được thương mại điện tử cũng như công nghệ số và có được một tư duy, phương pháp rõ ràng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Qua đó phát triển kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, khoảng cách bền vững.
Thứ hai là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm sẽ là tiêu chí hàng đầu để quyết định việc mua sắm của người tiêu dùng.
Thứ ba là phải liên tục đẩy mạnh tiếp thị trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, nhất là các kênh như Facebook, Zalo, Tiktok. Qua đó khách hàng cũng sẽ dễ tiếp cận được website cũng như là các sản phẩm của mình dễ dàng hơn.