Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Vân Anh
07/12/2023 - 15:06
Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Các hoạt động phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc đã phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con- bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết.

Việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, phát triển sản phẩm hàng hóa khá hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của văn hóa dân tộc vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, việc khai thác giá trị của văn hóa các dân tộc chưa phát huy hết tiềm năng. Quy trình sản xuất, các hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa chuyển tải được hết những yếu tố văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương. Do đó, cần có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, đưa yếu tố văn hóa thành lợi thế, để thực sự giúp các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bay xa hơn nữa.

Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc đã có những chia sẻ xung quanh nội dung này:

Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 1.

Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc chia sẻ tại tọa đàm “Khai thác giá trị văn hoá, phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”

- Thưa bà Bế Hồng Vân, hiện nay chúng ta đang có những chính sách và hoạt động như thế nào để phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Những năm trước đây, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ví dụ như các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; hay đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…

Đến năm 2021, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

- Từ những chính sách, hoạt động nêu trên, chương trình đã đạt được những kết quả gì trong việc phát triển các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thưa bà?

Chương trình mục tiêu quốc gia, vùng dân tộc thiểu số và vùng núi mới triển khai các hoạt động cụ thể từ năm 2022, một phần do việc ban hành các văn bản hướng dẫn cũng chậm. Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện các hoạt động phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng đạt được một số kết quả khá khiêm tốn.

Cụ thể, đến nay đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào…

Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 2.

Các hoạt động phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Đặc biệt, đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng - kinh doanh với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số. Những con số này hiện nay vẫn đang được chúng tôi tiếp tục cập nhật.

- Xin bà chia sẻ về các chính sách hỗ trợ và giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang đậm giá trị văn hóa dân tộc?

Có thể nói đến thời điểm này, về quan điểm cũng như định hướng, mục tiêu về việc hỗ trợ phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thể hiện rất nhiều trong các văn bản của Chính phủ. Tôi nghĩ thời gian tới chúng ta phải có những hành động cụ thể và hiệu quả như thế nào để đạt được những mục tiêu.

Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 3.
Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 4.
Khai thác giá trị văn hoá là chìa khóa thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 5.

Cần đưa những yếu tố tri thức, những văn hóa truyền thống để phát triển chuỗi giá trị cho đồng bào dân tộc miền núi.

Tôi nghĩ trong thời gian tới, chúng ta cần phải tập trung vào một số nội dung như sau:

Thứ nhất, cần phải tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách.

Thứ hai, các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số có vai trò là hỗ trợ kỹ thuật cũng như là tạo động lực, chúng tôi gọi tắt là động lực kéo.

Thứ ba, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cũng như các chuyên gia phải góp phần vào việc trợ giúp cho việc nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường và tất nhiên là cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thứ tư, chúng ta phải đưa những yếu tố tri thức, những văn hóa truyền thống cũng như cố kết cộng đồng vào trong tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ cần đơn giản hóa về thủ tục. Quá trình để phát triển một chuỗi mô hình cần thời gian khá dài, từ bắt đầu xuất phát điểm và đến lúc có sản phẩm, dịch vụ và được thị trường công nhận, cũng phải đến 2 - 3 năm. Việc hỗ trợ theo quá trình là một công việc rất quan trọng mà chúng ta cần phải lưu ý trong các cơ chế, chính sách.

Thứ sáu, xây dựng phát triển mạng lưới cộng tác viên ở các địa phương. Đây là một lực lượng tôi nghĩ đóng góp rất quan trọng trong việc phát hiện những mô hình đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt phải lưu ý đến đội ngũ nghệ nhân tại địa phương, hầu như các chính sách chưa được thể hiện rõ.

Thứ bảy, tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi tư duy về việc củng cố những khôi phục các thiết chế văn hóa truyền thống như ngày xưa thông qua công tác tuyên truyền. Chúng ta phải biến những việc hỗ trợ củng cố, khôi phục các thiết chế văn hóa truyền thống thành việc tăng thu nhập cho cộng đồng, thông qua phát triển du lịch cũng như là các sản phẩm khai thác văn hóa truyền thống.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm