Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế

Hoàng Sa
25/08/2023 - 19:21
Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế

Phụ nữ người Tày bảo tồn và phát triển nghề đan lát

Bảo tồn văn hóa các dân tộc ở miền núi phía Bắc gắn với phát triển sinh kế đang là hướng đi đúng đắn, được người dân đồng tình hưởng ứng. Bởi lẽ việc làm đó đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng.

Phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn văn hóa

Hiện nay người Dao họ ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai) thường xuyên được tổ chức các buổi thực hành nghề dệt vải và thêu thùa của chị em phụ nữ. Từ người già đến người trẻ đều rất chăm chú, say mê với các công việc bên khung cửi. Đây là thứ công việc mà đã có thời điểm tưởng như mai một khỏi đời sống của cộng đồng người Dao họ nơi đây.

Thế nhưng, từ vài năm trở lại đây, khi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã tổ chức phục dựng và bảo tồn, thì nó lại được chị em trong thôn bản đồng tình tham gia, khôi phục lại nghề truyền thống này một cách mạnh mẽ. 

Bà Lý Thị Luận, ở thôn Khe Mụ, cho biết: "Mới chỉ vài năm nay, khi ngành Văn hóa cho cán bộ về tuyên truyền khôi phục, bảo tồn nghề thổ cẩm, thì từ người già đến người trẻ đều tham gia nhiệt tình. Bởi tham gia vào thì người nọ lại dạy cho người kia, các kỹ thuật thêu thùa, hoa văn truyền thống được mọi người cùng nhau khôi phục lại. Đặc biệt là các cháu gái trẻ, họ cũng rất muốn làm được các hoa văn trên vải giống như các bà ngày xưa. Bây giờ làm được sản phẩm thì có thể bán ngay được, nên nhiều chị em cũng quan tâm".

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 1.

Người Dao họ ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai phục dựng bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thành hàng hóa, giúp chị em có thêm việc làm và thu nhập

Không chỉ nghề thổ cẩm của người Dao họ, mà ngay cả dân ca, dân vũ của người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cũng được bảo tồn và phục dựng. Chị Sần Thó Mơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Y Tý, cho biết: "Thời gian qua, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có về làm chương trình bảo tồn cho chị em người Hà Nhì về vốn dân ca, dân vũ. Ban đầu chị em còn thắc mắc e ngại, nhưng khi hiểu ra, chị em lại tham gia rất nhiệt tình. Vì khi tham gia đội văn nghệ, được tập luyện, được mời đi biểu diễn cho khách du lịch, có thu nhập nên chị em càng quan tâm đến việc bảo tồn hơn, vì nó thiết thực với họ".

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 2.

Phụ nữ người Hà Nhì ở Sa Pa, Lào Cai khôi phục và bảo tồn dân ca dân vũ, để làm dịch vụ biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch.

Bà Lò Thị Mến, người dân tộc Lự, ở xã Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu), cho biết: "Bây giờ cứ nghe thấy việc bảo tồn văn hóa, là chị em phụ nữ người Lự rất quan tâm. Vì từ khi có chương trình bảo tồn nghề dệt lụa tơ tằm, thì hàng hóa chúng tôi làm ra đều bán hết và bán được giá.  Người Lự ở Bình Lư thấy bảo tồn để phát triển là có hiệu quả, có việc làm, có thu nhập thật sự. Chỉ tham gia tập huấn về bảo tồn một thời gian, bây giờ nhiều chị em đã làm lụa thường xuyên rồi".

Cần nhân rộng những mô hình "bảo tồn gắn sinh kế"

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển sinh kế thành công nhất phải kể đến vùng người Mông, người Dao ở thị xã Sa Pa, Lào Cai. Từ hàng chục năm nay, ngành văn hóa tỉnh Lào Cai đã thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa các dân tộc Mông, Dao ở Sa Pa. 

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 3.

Chị em phụ nữ Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai nhiệt tình tham gia chương trình bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống, để làm nền tảng phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng.

Cụ thể, ở xã Tả Phìn, Sa Pa, đã có Hợp tác xã thổ cẩm với hơn một trăm thành viên dựa trên cơ sở bảo tồn nghề dệt truyền thống từ hàng chục năm về trước. Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: "Cho đến nay, Hợp tác xã thổ cẩm Tả Phìn duy trì sản xuất các loại sản phẩm hoa văn thổ cẩm truyền thống, bán cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm khá ổn định. Nhờ đó đã tạo ra việc làm và thu nhập cho các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương khá ổn định, ở mức từ 3-5 triệu đồng/người/tháng".

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 3.

Người Dao đỏ ở Sa Pa làm rất tốt việc gìn giữ và bảo tồn nghề thêu thùa truyền thống. Ngày nay sản phẩm của họ luôn đắt khách trên thị trường hàng lưu niệm

Ngoài Lào Cai ra, ở một số địa phương khác ở Tây Bắc, cũng đã có những cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình Hợp tác xã sản xuất theo hình thức bảo tồn gắn với sinh kế khá thành công, như trường hợp bà Tải Thị Mai - dân tộc Pà Thẻn, ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang. Hoặc chị Vi Thị Ái, người Mông xanh ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Những cá nhân này đã và đang hoạt động khá hiệu quả và bền vững.

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 4.

Phụ nữ người Mông gìn giữ và phát triển bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Đây là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng khi đến Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL, cho hay:  Bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với sinh kế là một mô hình có giá trị thực tiễn trong đời sống, qua đó giúp người dân bảo tồn văn hóa bền vững trong cộng đồng và trở thành ngành nghề, công việc để đem lại lợi ích về kinh tế cho người dân. Những mô hình này cần được triển khai nhân rộng, để công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng đạt hiệu quả.

Bảo tồn văn hóa dân tộc miền núi gắn với phát triển sinh kế  - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL, trao đổi với phóng viên

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh của văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt đề cao vai trò chủ thể văn hóa, trong việc tạo ra các sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày, vừa tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại các địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm