pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử
Tiếp nối chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo "Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023".
Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực này.
Thời gian diễn ra Hội thảo: 08h30 ngày 15/9/2023.
Địa điểm: Hội trường tầng 2, khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại - Số 489 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Đăng kí tham dự hoặc để tìm hiểu thông tin tại: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương). Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương - tầng 5, số 655 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
9 mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi 287 huyện thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Đối tượng của Chương trình bao gồm: Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động quản lý, thực hiện Chương trình; các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có liên quan.
Chương trình đến năm 2025 hướng đến 9 mục tiêu cụ thể như sau:
- Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
- Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
- Phát triển sản phẩm, hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
- Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021 - 2025.
- Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn đảm bảo 100% cán bộ quản lý thương mại thuộc đối tượng của Chương trình được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ.
- Phấn đấu đến năm 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; nâng cao thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.