Tăng sức sáng tạo của địa phương, hộ dân phát triển thương mại miền núi

PV
11/12/2022 - 12:40
Tăng sức sáng tạo của địa phương, hộ dân phát triển thương mại miền núi

Chị Lưu Thị Đào bên 6 sản phẩm mật ong núi rừng Tây Bắc được chứng nhận OCOP 4 sao

Nghỉ việc tại cơ quan nhà nước, chị chị Lưu Thị Đào thành lập công ty riêng để thực hiện khát vọng đưa các sản phẩm mật ong của vùng miền núi Tây Bắc trở thành hàng hoá chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường đến với người Việt.

Sau 20 năm công tác tại cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực về ong, chị Lưu Thị Đào quyết định cùng chồng ra ngoài thành lập công ty Ong Miền Núi, với mong muốn đưa ra những sản phẩm mật ong tốt cho sức khỏe người Việt.

Những ngày đầu khởi nghiệp, nữ giám đốc luôn phải đau đầu với những khó khăn về vốn. Huy động từ gia đình và người thân, chị Đào đầu tư được 100 đàn ong. Nhưng sau một năm do kinh nghiệm chăm sóc ong chưa nhiều nên chỉ còn 10 đàn và thu được chỉ 20kg mật. Gần như trắng tay, nhưng chị không nản chí, chị mạnh dạn vay đầu tư tiếp 200 đàn, chia ra làm 4 nhóm để tránh rủi ro, nhóm này mất thì nhóm kia được.

Bên cạnh đó, thị trường mật ong là một thị trường cạnh tranh lớn, nhưng lại luôn có hiện tượng "vàng thau lẫn lộn", không phải ai cũng phân biệt được sản phẩm nào tốt, đảm bảo chất lượng, nên đầu tư vào chất lượng luôn là quan tâm hàng đầu của chị Đào và công ty.

Chị Lưu Thị Đào chia sẻ: Đúng như tên gọi của công ty, những sản phẩm của Ong Miền Núi đều có một điểm chung là được khai thác từ các vùng rừng núi của đất nước: cao nguyên đá Đồng Văn, rừng Mường Khương, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lâm Đồng, tại các trang trại nuôi chuyên nghiệp của bà con dân tộc H'mong, Dao, Thái, Tày, Nùng, đảm bảo đem lại loại mật tươi ngon, chất lượng nhất.

Sau khi thu hoạch, mật ong sẽ được chế biến và đóng gói tại dây chuyền tiên tiến, quy trình quốc tế nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng cao nhất. Tháng 10/2018, Công ty Ong Miền Núi đã được cấp Chứng nhận HACCP - Chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu thu hoạch, tinh lọc đến đóng gói. Giấy chứng nhận này là cơ sở để Ong Miền Núi tự hào luôn đem những sản phẩm mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, tinh bột nghệ tốt nhất tới tay người tiêu dùng, giữa thị trường với nhiều sản phẩm "trôi nổi", chưa tuân thủ vệ sinh. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo những yêu cầu khắt khe về chất lượng đó, 6 sản phẩm mật ong đã được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (năm 2020).

Sau 17 năm xây dựng và phát triển, những sản phẩm Ong Miền Núi như mật hoa Bạc Hà, mật Hoa Nhãn, sữa Ong chúa… đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường mật ong Việt và dần vững bước trên thị trường quốc tế.

Tăng sức sáng tạo của địa phương, hộ dân phát triển thương mại miền núi - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Xây dựng danh mục sản phẩm OCOP gắn với danh mục sản phẩm du lịch

Tại buổi toạ đàm mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết: Để khai thác tốt thế mạnh về văn hoá, du lịch nhằm thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, tiêu thụ sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số, việc xây dựng các danh mục sản phẩm là cực kỳ quan trọng. 

Hiện nay chúng ta xây dựng tốt danh mục OCOP; danh mục sản phẩm du lịch; tuy nhiên danh mục liên đới giữa OCOP với du lịch thì chưa được định danh. Chúng ta cần có danh mục như vậy để mỗi địa phương có sự sáng tạo, bổ sung và từ đó làm gia tăng các danh mục hàng hóa, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của các địa phương lên, nó tạo ra sự kết hợp và cộng hưởng.

Đồng thời, hình thức tổ chức cần được chia sẻ, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng, hoàn thiện hơn. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, hướng vào những yêu cầu như vậy để khai thác được những thị trường khổng lồ, vừa xuất khẩu được, vừa tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông nghiệp, hàng hoá truyền thống.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá về sản phẩm hàng hoá vùng miền núi, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng, và quảng bá theo hướng giáo dục, bồi dưỡng cho bà con ở những vùng miền để họ hiểu biết và có tâm thế, kiến thức thị trường, kiến thức phục vụ, làm dịch vụ...

Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho sản phẩm và đặc biệt là phải thổi hồn văn hóa vào cho các sản phẩm. Mỗi một sản phẩm có lịch sử của nó, có những tình tiết và sức hấp dẫn riêng về mặt văn hóa. Nếu chúng ta thổi hồi vào và lan tỏa thì sẽ thu hút được du khách một cách bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm