Tận dụng hiệu quả lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi

PV
23/11/2022 - 15:02
Tận dụng hiệu quả lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi

Phụ nữ dân tộc thiểu số tận dụng công nghệ, mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Sáng nay (23/11), Tạp chí Công Thương - thuộc Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử".

Những năm gần đây, thương mại điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng và là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp 2 năm vừa qua. 

Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Vì thế, các sản phẩm hàng hoá của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada…

Tuy vậy, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.

Tận dụng hiệu quả lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi toạ đàm "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử"

Ban tổ chức cho biết: Buổi toạ đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng tập trung, thảo luận về các nội dung: Lợi thế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử.

Đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức khi xây dựng thương hiệu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các kênh thương mại điện tử; Giải pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng hiệu quả lợi thế từ thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông qua những góp ý, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử, doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất giải pháp tăng cường kết nối, và tận dụng hiệu quả các lợi thế của sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó khẳng định vị thế các sản phẩm này trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm