Hướng đi mới phát triển dịch vụ, hàng hoá gắn với du lịch vùng miền núi

PV
21/11/2022 - 11:21
Hướng đi mới phát triển dịch vụ, hàng hoá gắn với du lịch vùng miền núi

Chị Hoàng Thị Khuyên tại vườn hoa của gia đình tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Mạnh dạn đầu tư, phát triển vườn hoa phục vụ khách du dịch, chị Hoàng Thị Khuyên là một tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình tại tỉnh Sơn La.

Đến với bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, nhiều du khách trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh không khỏi bất ngờ khi ghé thăm vườn hoa của chị Hoàng Thị Khuyên (bản Chiềng Thượng). Trên diện tích rộng trên 2.000m2, hàng chục loại cây, hoa cảnh như hoa hồng, hoa giấy, hoa cúc, dạ yến thảo, ngọc thảo, phong lữ, đồng tiền, đồng tiền, mẫu đơn… khoe sắc rực rỡ. Khu vườn đã trở thành địa chỉ chụp ảnh yêu thích của nhiều người mỗi khi ghé thăm Phù Yên.

Thời gian đầu, chị Khuyên chỉ bán online các giống hoa, cây cảnh với những đơn hàng nhỏ lẻ theo yêu cầu của khách. Dần dần, nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường hoa, cây cảnh, chị Khuyên quyết định "liều", huy động vốn, đầu tư, nhập hàng từ các nhà vườn ở tỉnh Hưng Yên. Sau đó, chị cải tạo khu ruộng gia đình, gây giống cây, trồng hoa, cây cảnh.

Để có được kết quả như vậy, cô gái Phù Yên Hoàng Thị Khuyên gặp không ít khó khăn. Chị Khuyên cho biết, với một phụ nữ khởi nghiệp từ mảnh đất quê nhà, số vốn đầu tư ban đầu rất ít ỏi, nên chỉ triển khai được trên quy mô nhỏ hẹp. Mô hình phát triển cây giống, cây hoa lại là hình thức phát triển kinh tế khá mới trên địa bàn xã Quang Huy, nên không có người đi trước để học hỏi. Vừa làm vừa học, tích lũy kinh nghiệm, đầu tư thời gian nghiên cứu thêm sách báo để đảm bảo được về mặt kỹ thuật, cô chủ vườn 8x dần chinh phục được thế giới  của các loại cây, hoa.

Cùng với trồng cây, chị và gia đình cũng trồng rau, thả cá và chăn nuôi gia cầm để góp phần đảm bảo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. "Cũng nhờ dám mạnh dạn thử nghiệm, phát triển mô hình trồng hoa, trồng cây, mà gia đình có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ", chị Hoàng Thi Khuyên khẳng định.

Hướng đi mới phát triển dịch vụ, hàng hoá gắn với du lịch vùng miền núi - Ảnh 1.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Cơ hội mới cho thương mại miền núi, dân tộc thiểu số sau đại dịch

Tại buổi toạ đàm mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Qua 2 năm đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm của bà con được bán thông qua việc kết hợp du lịch với thương mại, nhưng đại dịch khiến khách du lịch đến Việt Nam rất ít. Sản phẩm đặc sản dùng trong các nhà hàng ăn uống bị giảm; hệ thống nhà hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm mạnh. Những sản phẩm độc đáo bán qua kênh du lịch, lễ hội văn hóa khác đều giảm sút.

Để tìm hướng đi mới cho sản phẩm, hàng hoá của bà con dân tộc thiểu số sau đại dịch, bà Lê Việt Nga cho biết, "chúng tôi đã tìm kiếm nhiều cách khác nhau thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đồng bào dân tộc thiểu số". Thế mạnh của ngành Công Thương là dùng thương mại điện tử để bù đắp cho việc không thể mua trực tiếp. Đồng thời khuyến khích các công ty có thị trường xuất khẩu tốt, đang muốn tìm kiếm những sản phẩm hữu cơ, organic ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cạnh đó, có những hệ thống phân phối khác "đỡ đầu" cho những sản phẩm về thủ công mỹ nghệ như là thổ cẩm, sản phẩm thủ công làm bằng tay được xuất khẩu. Bên cạnh đó, có những sản phẩm có yếu tố bảo vệ môi trường, về kinh tế xanh; ví dụ trồng, chế biến những sản phẩm từ quế của bà con đồng bào ở Yên Bái, xuất đi các nước… Đây là những tín hiệu và là hướng đi tốt để người dân, doanh nghiệp vùng miền núi nắm bắt để có hướng phát triển mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm