pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển kinh tế gắn với tiềm năng văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Sản phẩm thêu của đồng bào Mông vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) trở thành quà lưu niệm độc đáo cho du khách. Ảnh TL
Phát huy nội lực văn hoá để phát triển kinh tế địa phương
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhờ khai thác hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống, lượng khách du lịch đến tỉnh Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 72,06% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 7.567 lượt người, khách nội địa đạt gần 1,1 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt 2.211,3 tỷ đồng.
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc)…
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô, Dao, Tày…; tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới…
Còn tại tỉnh Hòa Bình, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, địa phương này đã triển khai đồng bộ giải pháp thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu, để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, đưa di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình, từ nhiều năm nay, mô hình du lịch cộng đồng đã được đầu tư, phát triển tại nhiều thôn, bản.
Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoà Bình cho biết, để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, tỉnh đã tận dụng các cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế xây dựng, làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch, chuyển trọng tâm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Đồng thời, quan tâm phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của địa phương.
Triển khai Dự án 06 Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Hoà Bình đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số 08-ĐA/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025". Triển khai các hoạt động hỗ trợ cho Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình; Tổ chức các hoạt động quảng bá như: Phiên chợ vùng cao năm 2022 với chủ đề "Hội tụ và lan toả"; Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022...thu hút đông đảo khách đến thăm quan, du lịch.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa từng vùng
Triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chương trình hành động, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.
Chương trình hành động cũng nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư và đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với các vùng, miền khác trong cả nước; tiến tới phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi ngang bằng với các vùng miền khác trong cả nước.
"Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi dành hẳn một dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là nguồn tực to lớn, đòn bẩy giúp đồng bào các DTTS bảo tồn, khai thác các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Từ đó giúp đồng bào các DTTS biến di sản thành tài sản" - bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết.
Theo đó, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều quyết định về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS, DTTS rất ít người; tổ chức xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư, năm 2022.... Điển hình như tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu (thuộc nhóm DTTS có số dân dưới 10.000 người).
Được biết, Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch đã tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin tư liệu, dữ liệu tổng thể về các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch; khôi phục, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Lự. Giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Lự đến rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước; tuyên truyền về các mô hình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tiêu biểu của dân tộc Lự; xuất bản, phát hành ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền về văn hóa truyền thống của dân tộc Lự.
Ở các địa phương khác cũng đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người như Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La… do chính các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ được triển khai trong tại các địa phương cho kết quả tốt.
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của DTTS rất ít người là hoạt động nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch.