Động lực mới phát triển hàng hoá vùng miền núi, dân tộc thiểu số

PV
16/11/2022 - 16:30
Động lực mới phát triển hàng hoá vùng miền núi, dân tộc thiểu số

Nghề dệt của người Tày ở Bắc Kạn. Ảnh minh hoạ

Những năm gần đây việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An (tỉnh Bắc Kạn), cho biết: Với những phụ nữ dân tộc, khó nhất khi khởi nghiệp là có đủ tự tin để vượt qua định kiến xã hội. Tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, áp lực về định kiến của xã hội còn nặng nề. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số còn quan niệm, chỉ có đàn ông mới thích hợp với kinh doanh, còn phụ nữ chỉ có vai trò phụ giúp việc nương rẫy, bếp núc. 

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Quyên cho biết, HTX có 12 thành viên với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng; tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX sản xuất sản phẩm khẩu trang, gối bằng thổ cẩm. 

Trong những ngày đầu hoạt động có nhiều khó khăn, HTX nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp Hội thông qua đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Chị chia sẻ: "Tổ chức Hội hỗ trợ thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn mà còn giúp chúng tôi đổi mới trang thiết bị sản xuất, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm". Đồng thời, chị Quyên bày tỏ mong muốn thời gian tới, các cơ quan, ban ngành tiếp tục hỗ trợ, có thêm nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển bền vững, vươn xa.

Tại một buổi toạ đàm mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 10 năm qua, từ 2010 – 2020, Bộ có nhiều hoạt động lồng ghép các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó có Chương trình phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015; và giai đoạn hai tiếp tục đến năm 2025. Nhờ đó, nhiều hoạt động kết nối hàng hóa từ vùng đồng bào của dân tộc thiểu số, miền núi; tạo được những hạ tầng thương mại rất tốt; tạo cơ sở dữ liệu số với sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng vùng miền. Qua đó, quảng bá đến các thị trường trong nước và quốc tế; kết nối được doanh nghiệp phân phối ở các thị trường lớn, với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm thị trường.

Động lực mới hỗ trợ hàng hoá vùng miền núi, dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Các đại biểu tại Toạ đàm: "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới" ngày 16/11/2022. Ảnh TCCT

Nâng tầm hàng hoá miền núi, dân tộc thiểu số

Sáng 16/11/2022 diễn ra buổi Toạ đàm: "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới", do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức.

Toạ đàm có sự chia sẻ của nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp về tác động thực tiễn của các chính sách phát triển kinh tế, thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kinh nghiệm của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm thế mạnh của khu vực này và những khuyến nghị, giải pháp đề xuất trong thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4293/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Trong đó, Bộ Công thương thiết kế 2 công cụ cơ bản, gồm: Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với việc hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong những năm qua, Bộ Công thương đã xây dựng nhiều chính sách thực hiện nhiều hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh liên kết đầu tư vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cũng từ đó đã có một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: Vải Thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; Mỳ Chũ, Mật ong Rừng Sơn Đông; chè Shan tuyết Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng…

Có thể nói, Quyết định 1719 tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đưa sản phẩm của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Cùng với đó, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực nhằm thu hút các hộ nông dân chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho sự phát triển sản phẩm hàng hóa tại khu vực này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm