Gắn kết du lịch với thương mại miền núi để tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV (thực hiện)
06/12/2022 - 12:48
Gắn kết du lịch với thương mại miền núi để tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hoá độc đáo vùng dân tộc thiểu số luôn là động lực để phát triển du lịch, thương mại miền núi

Tại buổi toạ đàm mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng sự phát triển theo hướng cộng hưởng, kết hợp du lịch với thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số; trong đó văn hóa luôn là một nguồn lực, nếu khai thác tốt sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

+ Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng các hoạt động văn hoá - du lịch như một kênh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các địa phương trong thời gian qua?

+ TS. Nguyễn Minh Phong: Tại Việt Nam có một sự phát triển dần theo hướng cộng hưởng giữa du lịch và nông nghiệp; đặc biệt là các hoạt động quảng bá văn hoá các vùng miền gắn với du lịch nông nghiệp. Nếu như trước đây chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vườn trái cây, thì đã hình thành những hình thức kết hợp du lịch với ăn ở tại vùng có vườn trái cây lớn. 

Hiện nay các vùng Tây Bắc hoặc miền Trung cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, trang trại, ở những khu mà có các sản phẩm đặc sản, thậm chí những homestay, có thể ăn ở cùng với chủ nhà; tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái cùng với gia chủ những đặc sản ở địa phương. Điều này được thực hiện thông qua những tổ chức du lịch chuyên nghiệp hoặc sự phát triển tự thân của các gia đình.

Gắn kết du lịch với thương mại miền núi để tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Tất cả những sự kết hợp như vậy, đã giúp cho thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nông nghiệp; tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn, hiệu quả cao hơn. Hơn nữa, điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản, làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch.

+ Ông đánh giá như thế nào về những tiềm năng và triển vọng này trong việc tiêu thụ và gắn tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với phát triển văn hóa - du lịch?

TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp và cũng là một cường quốc du lịch, thì việc kết hợp giữa hai điểm với nhau sẽ giúp cho cả hai thế mạnh được tôn vinh lên. Vấn đề chưa chuẩn về phương thức sản xuất, xây dựng thương hiệu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhìn ở mặt nào đó, nó lại là một sự hấp dẫn về văn hóa đối với khách du lịch. Nhiều khi khách du lịch đến, không phải vì anh ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến, mà chỉ muốn xem cuộc sống người dân như thế nào, sinh hoạt, sản xuất ra sao, thậm chí là tính chất thô mộc cũng là một nét đẹp, hấp dẫn trong phát triển du lịch ở khu vực này.

Gắn kết du lịch với thương mại miền núi để tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Dệt lanh truyền thống của bà con dân tộc thiểu số

Vì thế, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề phải có quy trình chuẩn, phải có những sản phẩm thật, sản xuất công nghiệp để bán đại trà thì mới hấp dẫn. Mà có lẽ nhiều khi sản phẩm đơn chiếc, sản phẩm thô mộc, sản phẩm khác nhau, dựa trên sự sáng tạo, dựa trên chính văn hóa bản địa, truyền thống của người dân tộc ở miền núi cũng là một sự hấp dẫn.

Bên cạnh đó, phải làm sao để đồng bào có ý thức hơn trong vấn đề cung cấp sản phẩm theo hợp đồng, tuân thủ những cam kết, kế hoạch để đảm bảo uy tín với khách hàng. Đó là những hạn chế trong nhận thức cần được dỡ bỏ. Nếu làm tốt sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đa dạng hóa cả về sản phẩm cho du lịch, mở rộng quy mô, nâng tầm, nâng hiệu quả giá trị gia tăng của các bản sắc văn hóa đã có.

Gắn kết du lịch với thương mại miền núi để tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

+ Để sự gắn kết này chặt chẽ và khai thác hiệu quả thế mạnh của du lịch và thương mại miền núi, theo ông các địa phương cần làm những gì?

+ TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể thấy, văn hóa luôn là một nguồn lực và nếu chúng ta khai thác tốt sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng từ những sự đa dạng, truyền thống, sự hấp dẫn có hồn của văn hóa của các dân tộc, miền núi, các doanh nghiệp biết khai thác để thổi hồn vào từng sản phẩm và biến chúng thành những sản phẩm du lịch. Qua đó cũng tạo tính chuyên nghiệp, làm đa dạng hóa và mở rộng quy mô danh mục các sản phẩm, quy mô thương mại sẽ tạo điều kiện cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giữ được văn hóa của dân tộc tốt hơn.

Điều đó cho thấy rõ ràng khi chúng ta có ý thức xây dựng thương hiệu hoặc là tạo được cái hồn, cái cốt lõi cho sản phẩm của mình thì hiệu quả sẽ cao hơn. Rõ ràng sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch đã tạo ra sự đa dạng hóa cho chính ngành du lịch, đó là du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch khám phá và cũng như du lịch sinh thái khác. Từ đây thấy được triển vọng tương lai của du lịch, kết hợp với văn hóa và tiêu thụ sản phẩm cho vùng miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm