pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thời gian qua, có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm gần đây, thông qua các hoạt động "Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì việc kết nối, phát triển thị trường trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần so với thực tế.
Do đó phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa của khu vực này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, các địa phương cũng như là doanh nghiệp để có thêm nhiều hơn các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước.
Tại tọa đàm với chủ đề "Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 20/9, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã có các Chương trình, giải pháp để triển khai các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong việc thương mại hóa và đưa những sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
"Những chương trình lớn như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình về khuyến công, Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030… và nhiều đề án, chương trình khác đã dành một lượng không gian cũng như kinh phí cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai.
Những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc và sự khác biệt với những sản phẩm, hàng hóa được người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm cũng như hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững mà thế giới đang quan tâm. Trong khi đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì đang có lợi thế này.
Đây là những bước tiến ban đầu của việc xây dựng cơ chế, chính sách và thực thi những cơ chế, chính sách trong tình hình mới khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng vẫn dành những không gian rộng lớn và khác biệt, được hỗ trợ một cách trọng tâm, trọng điểm để đưa hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vào các kênh phân phối trong nước và quốc tế", bà Lê Việt Nga thông tin.
Tại tọa đàm, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng; ông Trần Hoàng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn là những khách mời đã chia sẻ về thực tế nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc sản vùng miền cũng như các biện pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả.