Trong những chuyến khám bệnh cho bà con ở các xã vùng khó khăn, ThS.BS. Trịnh Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) chia sẻ, anh đã gặp nhiều ca bệnh đặc biệt.
BS Tuấn nhớ nhất là trường hợp một học sinh lớp 4 ở xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu. Cậu bé bị mắc căn bệnh đặc biệt – bệnh rò hậu môn trực tràng. Bệnh khiến cơ thể lúc nào cũng mang một mùi khó chịu, bạn bè xa lánh em.
Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trải qua 02 lần phẫu thuật, nay sức khỏe của cháu đã ổn định và trở lại học tập bình thường.
Mặc dù trong những năm gần đây, y tế tuyến xã đã được tập trung đầu tư thêm nhiều cả về nhân lực và trang thiết bị nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Có những trạm y tế xã chỉ có 1 bác sĩ nhưng quản lí đến hơn 100 bệnh nhân tăng huyết áp/tháng, chưa kể các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường, lao, HIV…
Ngoài ra, do trạm y tế xã không có trang thiết bị xét nghiệm cận lâm sàng nên ở nhiều nơi, người dân phải vượt quãng đường 60-70km để đến bệnh viện huyện mới được làm xét nghiệm.
Bà Triệu Thị H. ở tận xã Chiềng Yên bị đái tháo đường tuyp 2 kèm tăng huyết áp. Để theo dõi bệnh, trạm y tế địa phương không có trang thiết bị y tế đáp ứng, bà H. đi chặng đường xa tới trung tâm y tế huyện mới được xét nghiệm đường huyết và theo dõi chỉ số của bệnh. Vì việc đi lại xa quá, 3 tháng thậm chí 6 tháng bà H. mới đến khám 1 lần.
Trong khi đó, theo BS Tuấn, việc theo dõi diễn biến các xét nghiệm cận lâm sàng trong điều trị các bệnh lý mạn tính là hết sức cần thiết. Điều đó cũng làm tăng thêm những gánh nặng bệnh tật mà người dân ở vùng khó khăn có thể gặp phải.
Bên cạnh những ca bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời thì vẫn còn đó những trường hợp khi được phát hiện đã quá muộn.
Đó là trường hợp một bệnh nhân 50 tuổi, thận phải giãn to, mất chức năng do bị sỏi niệu quản 1/3 trên. Bệnh nhân thường xuyên đau lưng, sốt, vã mồ hôi. Khi khám cho bệnh nhân xong, bác sĩ đã phải chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến trên để cắt thận nội soi.
Các bác sĩ cũng cho biết, với trường hợp này, nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh nhân hoàn toàn có thể cứu được một bên thận.
Không chỉ khám chữa bệnh cho người bệnh, bác sĩ Tuấn chia sẻ các bác sĩ còn thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông sức khỏe cho cộng đồng các xã vùng khó khăn.
Việc truyền thông giáo dục sức khỏe là một mảng hoạt động hết sức quan trọng bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện. Hàng tuần, tổ truyền thông của Bệnh viện thường xuyên có các bài viết ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong việc phòng chống dịch bệnh, hay nâng cao nhận thức về việc khám và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Để các bài viết này đến gần hơn với nhân dân vùng sâu, vùng xa, Bệnh viện còn đã chủ động liên hệ với các xã, chuyển các bài viết này về từng bản, tiểu khu và phát thanh trên hệ thống loa phát thanh của bản, tiểu khu; các bài viết còn được chuyển thành các tiếng dân tộc như Mông, Thái, Dao để truyền đạt dễ dàng hơn tới bà con dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe còn được tổ chức thông qua các buổi tư vấn trực tiếp tại bệnh viện, tại phòng khám mạn tính hay tại các khoa lâm sàng.
Từ nhiều năm nay, đảm bảo cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở, huyện Mộc Châu đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn