Lớp giới thiệu, hướng dẫn nuôi heo rừng lai là một trong những hoạt động ý nghĩa được tổ chức ở chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương do Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với trường Trung cấp Lê Thị Riêng và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Heo rừng Đồng Tháp thực hiện.
Hơn 3 năm trước, chị Ngô Thị Thanh Kim Huệ (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng) vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng để làm mô hình nuôi cá nhưng thua lỗ. Kinh tế gia đình chị Huệ lúc này lâm vào cảnh khó khăn. Sau thời gian tìm hiểu, chị Huệ biết đến mô hình nuôi heo rừng lai từ một vài người dân trong xã nên đã quyết làm lại từ đầu.
Chị chi 3 triệu đồng làm vốn để mua một cặp heo giống. Sau 6 tháng chăm sóc, chị thu lại 8 triệu đồng từ việc bán được 4 con heo thịt, giá 100 ngàn đồng/kg. Chị giữ lại hai con heo cái để tiếp tục nuôi sinh sản. Sau đó, chị tiếp tục bán được 15 con heo thịt, số tiền thu được hơn 30 triệu đồng. Đến hiện tại, chị Huệ có 11 con heo giống và 28 heo con.
Chị Kim Huệ chia sẻ: "Việc nuôi heo rừng lai đơn giản hơn vì chi phí thức ăn thấp. Heo rừng lai sẽ ăn trái cây, lục bình, rau xanh,… Ngoài giờ chăm heo, cho heo ăn và vệ sinh chuồng trại, tôi vẫn còn dư rất nhiều thời gian để đi làm thuê nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình"
Theo chị Huệ, việc ăn các thức ăn tự nhiên, sẵn có khiến thịt heo rừng lai thơm ngon, săn chắc, được nhiều người ưa chuộng. Chị Huệ có hai người con, đứa nhỏ năm nay học lớp 12, nhờ chăn nuôi heo rừng đạt hiệu quả, cuộc sống gia đình ổn định hơn trước và bớt những nỗi lo về tiền học phí, sinh hoạt phí.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Vĩnh Bửu, năm 2022, gia đình chị Huệ vay ngân hàng chính sách xã hội số vốn 50 triệu đồng. Khoản tiền này được chị Huệ sử dụng để mở rộng mô hình chăn nuôi heo rừng lai và thuê đất làm lúa nhằm tăng thu nhập.
Chị Huệ hy vọng, trong tương lai, mô hình nuôi heo rừng lai sẽ được nhiều bà con biết đến để giúp cho họ tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thấu hiểu được nỗi khổ của người nông dân "được mùa mà mất giá, được giá thì mất mùa", anh Đoàn Phan Dinh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Heo rừng Đồng Tháp) đã sáng tạo ra mô hình nuôi heo rừng lai. Mục tiêu của mô hình là giúp người nông dân tận dụng những tài nguyên sẵn có ở địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Số vốn ban đầu mỗi hộ nông dân bỏ ra cho mô hình nuôi heo rừng lai dao động từ 28 đến 32 triệu đồng. Công ty sẽ cấp cho họ 3 heo nái và 1 heo đực. Công ty thực hiện chính sách 5 bao cho bà con gồm bao kỹ thuật, bao chết, bao đẻ, bao rủi ro và bao đầu ra. Thời gian hợp tác sẽ từ 3-5 năm, công ty sẽ trang bị đầy đủ cho bà con những kiến thức về chăn nuôi heo rừng lai, hỗ trợ kĩ thuật làm chuồng, chăm sóc và cách phòng chống bệnh cho heo rừng lai trong quá trình hợp tác.
Nếu kiên trì và chăm sóc đúng kĩ thuật, đàn heo rừng lai mỗi năm có thể đẻ từ 50 đến 70 heo con. Doanh thu mỗi năm có thể đạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Heo con nuôi để thịt sau khi tách bầy 3-4 tháng sẽ có trọng lượng đạt khoảng 20-30kg/con. Công ty sẽ thu mua lại đàn heo này với giá sàn tối thiểu là 85.000 đồng/kg.
"Heo rừng lai là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi và ít bệnh. Ở địa phương bà con luôn có sẵn nhiều rau, củ, quả, lục bình… Đây là nguồn thức ăn dinh dưỡng có chi phí thấp để nuôi heo rừng.
Heo rừng lai sau khi được thu mua, công ty sẽ bán cho các cửa hàng nhượng quyền. Hiện tại, nhu cầu sử dụng thịt heo rừng lai của người dân ở những TP lớn là khá cao nên bà con có thể yên tâm về đầu ra.
Trong tương lai, tôi mong muốn mô hình nuôi heo rừng lai sẽ được phát triển. Bởi vì mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bà con có thêm niềm tin vào nông nghiệp và phát triển cuộc sống gia đình bền vững", anh Dinh nhấn mạnh.
Chị Trần Thị Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Bửu cho hay, mô hình nuôi heo rừng lai đã và đang đem lại nhiều kết quả thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, đây là mô hình chăn nuôi mới và các hộ dân trên địa bàn xã còn khó khăn, chưa có vốn mở rộng chăn nuôi nên số lượng hộ dân "theo đuổi" mô hình này còn khá ít.
Nỗi lo về việc khó tiêu thụ sản phẩm vẫn thường trực trong mỗi người dân. Cùng với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN xã Vĩnh Bửu mong muốn Hội LHPN các cấp quan tâm, hỗ trợ cho địa phương về kiến thức, nguồn vốn để thực hiện mô hình nuôi heo rừng lai ngày càng hiệu quả.
"Hiện tại, bà con ở xã chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, làm thuê và chăn nuôi. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ giúp chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Từ đây, kinh tế bà con sẽ ổn định hơn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững", bà Phượng chia sẻ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội LHPN tỉnh Long An đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức dạy nghề cho 1.302 lao động nữ. Trong đó có 674 lao động nữ có việc làm sau đào tạo, giới thiệu việc làm cho 2.483 lao động nữ.
Hiện toàn tỉnh Long An có 3.546 hộ nghèo, 8.700 hộ cận nghèo. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được Hội tiếp cận giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, duy trì mô hình "chị khá giúp chị khó khăn", góp vốn xoay vòng,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn