Tập trung hỗ trợ sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nghèo
Nhân Ngày vì người nghèo (17/10), Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế thoát nghèo bền vững.
- Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xin ông cho biết những hoạt động nổi bật trong triển khai Chương trình của Văn phòng cũng như của một số địa phương trong cả nước?
Ông Phí Mạnh Thắng: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 thực chất bắt đầu triển khai từ năm 2022 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022.
Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo là đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao đầu mối giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện Chương trình. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, văn bản chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện.
Đến nay, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tham mưu hệ thống quản lý, cơ chế triển khai Chương trình đồng bộ từ trung ương đến địa phương và cấp có thẩm quyền phân bổ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án, tiểu dự án. Công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được đặc biệt quan tâm thực hiện, đổi mới phương thức thực hiện; công tác giám sát đánh giá được chú trọng, tăng cường.
Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động trên phạm vi cả nước từ năm 2000 và quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là "Ngày vì người nghèo".
- Những kết quả nổi bật, đặc biệt là liên quan đến phụ nữ xóa đói giảm nghèo trong triển khai Chương trình của Văn phòng là gì, ông có thể chia sẻ?
Ông Phí Mạnh Thắng: Chương trình bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống
Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình được thiết kế nội dung đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia, triển khai thực hiện nhằm:
(i) Thúc đẩy bình đẳng giới, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế;
(ii) Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo, trẻ em ở nông thôn và các nhóm đối tượng yếu thế khác đối với các nguồn lực thực hiện Chương trình; đặc biệt là thúc đẩy vai trò, sự tham gia của phụ nữ đối với các nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, việc làm, nhà ở, nâng cao năng lực;
(iii) Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dự án của Chương trình; tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục, văn hóa và thông tin, bình đẳng giới trong đời sống gia đình.
Chương trình cũng yêu cầu có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh lồng ghép giới trong quá trình thực hiện. Cụ thể là: Xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện lồng ghép giới trong các hoạt động của Chương trình thông qua quy định cụ thể về tỷ lệ (%) ngân sách của các Tiểu dự án được dành cho các dự án, mô hình, hoạt động nhằm thực hiện bình đẳng giới, giúp giải quyết các vấn đề hạn chế, khoảng cách giới tại địa phương, tỷ lệ (%) tham gia của phụ nữ vào các cuộc họp lập kế hoạch.
Chương trình cũng quy định tỷ lệ (%) phụ nữ tham gia các hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm, các hoạt động nâng cao năng lực và tham gia các tổ nhóm phát triển sinh kế; bổ sung số liệu có phân tách giới trong các biểu mẫu thu thập thông tin hộ nghèo, báo cáo giám sát thực hiện các hoạt động của Chương trình từ cấp cơ sở.
Với các cấp Hội phụ nữ, chương trình thí điểm ủy thác, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cơ bản, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng trẻ em và một số hoạt động phù hợp khác.
Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ giảm nghèo được Hội LHPN các cấp triển khai
Cùng với đó là các chương trình nâng cao nhận thức và năng lực thực hành (phương pháp, công cụ, kỹ năng) về lồng ghép giới, phân tích giới cần là một nội dung cơ bản trong chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và cộng đồng.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa ông?
Ông Phí Mạnh Thắng: Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là giải ngân thấp, dẫn tới chưa đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện. Một số hạn chế có thể kể đến:
Thứ nhất, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện Chương trình. Một số địa phương báo cáo còn chậm, số liệu chưa chính xác; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hoá; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải,...
Thứ hai, cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác ảnh hưởng đến chuyên môn, tiến độ công việc.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành còn hạn chế dẫn tới việc tổng hợp, báo cáo chậm, chưa có số liệu tổng hợp kịp thời làm căn cứ ra quyết định điều chỉnh.
Thứ tư, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vì các lý do khách quan (ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,...đến đời sống người nghèo).
- Thứ năm, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Xin ông cho biết, cần phải thực hiện những giải pháp nào để giữ vững và đẩy nhanh hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo?
Ông Phí Mạnh Thắng: Thời gian tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".
- Xin cảm ơn ông!