Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người trong tình hình mới

12:48 | 27/09/2023;
Sáng nay (27/9), Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn…

Hội thảo với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; thảo luận các vấn đề liên quan đến phòng, chống mua bán người trong tình mới. 

Qua đó đưa ra các khuyến nghị về bổ sung chính sách, pháp luật, đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới sát thực, hiệu quả hơn, góp phần đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên.

Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu dề dẫn hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: Trên thế giới, hàng năm có đến hàng triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Điều đó khiến cho tội phạm này trở thành vấn nạn nhức nhối toàn cầu chứ không chỉ riêng một quốc gia nào. Mua bán người được coi là một trong các loại tội phạm nghiêm trọng nhất vì nó chà đạp lên nhân phẩm và quyền con người. 

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê-kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Mua bán người được xem như một hình thức buôn bán "nô lệ" thời hiện đại, vi phạm quyền con người, nhân phẩm con người, bị xã hội lên án. Tuy nhiên, bên cạnh các định kiến giới và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân thì hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, công tác đấu tranh phòng chống mua bán người trong mỗi quốc gia, khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất nên nạn mua bán người vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.

"Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên khắp 63 tỉnh/thành với những biến hóa khôn lường. Đối tượng của mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới và trẻ sơ sinh. Thậm chí, việc mua bán đối với bào thai, các bộ phận cơ thể người cũng đã và đang xảy ra. Bằng các thủ đoạn, cách thức hết sức tinh vi, xảo quyệt, tội phạm này núp bóng dưới các hình thức như tổ chức cho các cá nhân đi tham quan, du lịch, xuất khẩu lao động, môi giới kết hôn, nhận con nuôi. Nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu bị khai thác làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức hay lấy nội tạng.

Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới - Ảnh 3.

Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Oanh, Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ về những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống mua bán người

Thực trạng trên đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt và phù hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Kết quả khảo sát ban đầu năm 2022, Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) của Hội LHPN Việt Nam đã chỉ ra rằng, mua bán người là một trong những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS ở các địa bàn dự án cần được quan tâm giải quyết", PGS.TS Trần Quang Tiến cho biết.

Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Lý luận pháp luật về phòng, chống mua bán người và thực trạng mua bán người ở Việt Nam hiện nay; Công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới - Ảnh 4.

ThS. Lê Thị Phúc (Ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam) chia sẻ về kết quả triển khai thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2012-2022

Đã có 33 bài báo khoa học (được lọc từ 72 bài đăng ký) được duyệt đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới". Các bài viết gửi về Hội thảo tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người ở Việt Nam và việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, một số bài viết đã có những phân tích nhận diện biểu hiện, xu hướng mới của tội phạm mua bán người và yêu cầu hoàn thiện, đổi mới công tác đấu tranh phòng chống mua bán người; việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trong bối cảnh hiện nay.

Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới - Ảnh 5.

PGS.TS. Nguyễn Thị Như Trang (ĐH KHXH &NV- ĐHQG Hà Nội) chia sẻ về Hỗ trợ nạn nhân mua bán người, một số kinh nghiệm từ dự án can thiệp cấp cộng đồng của Hagar International

Một số bài viết đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; phân tích sự tương thích, phù hợp giữa pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam với pháp luật quốc tế. Từ đó đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong phòng, chống mua bán người trong tình hình hiện nay cũng như xu hướng diễn biến trong tương lai.

Với cách tiếp cận đa dạng và thực tiễn phong phú, các bài viết khoa học là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các cơ quan chức năng và các bên liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở Việt Nam hiện nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn