Quá trình lão hóa diễn ra ở tất cả các cơ quan trên cơ thể người cao tuổi. Đặc biệt là với hệ xương khớp, quá trình lão hóa này sẽ làm xương trở nên mềm xốp hơn, hay còn gọi là loãng xương. nếu không được điều trị loãng xương ở người già kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tuy rằng nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở người già là giống nhau, nhưng tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ của mỗi người lại khác nhau đáng kể. Điều này là do nguyên nhân gây bệnh khác nhau dẫn đến các mức độ nặng nhẹ thay đổi.
Thông thường, khi tuổi cao các cơ quan trong cơ thể sẽ dần lão hóa dẫn đến việc giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi. Hơn thế nữa, chế độ dinh dưỡng thường không hợp lý, thiếu các dưỡng chất cần thiết và ít vận động khiến xương giảm khả năng tái tạo. Việc hạn chế đi lại và ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng ảnh hưởng đến tổng hợp vitamin D của cơ thể.
Ngoài ra, một số người cao tuổi mắc các bệnh lý như bệnh thận, các bệnh lý mãn tính về nội tiết và hậu quả dùng thuốc corticoid kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh loãng xương.
Đây là một căn bệnh mạn tính, kéo dài và phát triển âm thầm mà không gây đau đớn nên thường bị bỏ qua, không chú ý đến. Thời gian đầu mắc bệnh, hầu hết các trường hợp không có triệu chứng đặc biệt. Sau đó khi canxi thiếu hụt nhiều mới khiến các triệu chứng như đau nhức xương khớp trở nên rõ rệt.
Các bộ phận thường chịu đau nhức xương khi mắc loãng xương thường gặp là đau lưng, đau chân tay, các khớp và mỏi bại hông. Đặc biệt đối với các khớp xương chịu lực mạnh thì mức độ đau càng cao như xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng, xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng. Những cơn đau thường rõ rệt nhất vào ban đêm và đi kèm với chuột rút.
Người mắc bệnh loãng xương cũng rất dễ bị gãy xương do bị ngã, va đập... Nếu để tình trạng này kéo dài mà không được điều trị sớm và kịp thời thì người bệnh rất dễ bị rạn xương, nứt, vỡ hoặc gãy xương, thậm chí có thể tử vong.
Việc điều trị loãng xương ở người già cần nhiều thời gian và sự kiên trì cũng như kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hàng ngày và dùng thuốc điều trị. Việc tuân thủ các phương pháp điều trị dù là sử dụng thuốc hay điều chỉnh chế độ sinh hoạt cũng góp phần đẩy mạnh hiệu quả của việc chữa bệnh.
Để điều trị loãng xương ở người già, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp giữa thuốc giảm đau, thuốc tái tạo xương và thuốc chống hủy xương. Trong đó:
- Các loại thuốc giảm đau chỉ được chỉ định khi cần thiết và sử dụng loại phần còn tùy thuộc vào mức độ đau. Những loại thuốc phổ biến bao gồm Paracetamol và Calcitonine... Trên thực tế, Calcitonine vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do hiện tượng loãng xương.
Đặc biệt cần lưu ý là bệnh nhân nên hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau như nhóm thuốc kháng viêm chứa Corticosteroides để tránh các tác dụng phụ không đáng có.
- Nhóm thuốc giúp tái tạo xương bao gồm canxi, vitamin D và thuốc chống đồng hóa. Người bệnh có thể chọn viên uống có thành phần là Canxi nano, Vitamin D và các thành phần khác như Silic, Mangan, Magie, Kẽm... Trong đó Canxi nano có thể tan nhanh và tăng lượng hấp thụ lên hơn 200 lần so với canxi thông thường.
- Nhóm thuốc chống hủy xương có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương và thúc đẩy quá trình tái tạo. Nó bao gồm các nhóm nhỏ như hormone và các chất tác động đến hormone (Premarin, prempak C, Livial,…); nhóm thuốc Calcitonin và nhóm thuốc bisphosphonat.
Đặc biệt thuốc biphosphonate là thuốc được sử dụng nhiều để tăng mật độ xương, được bào chế dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch. Loại viên uống phổ biến là Fosamax 70mg, uống 1 viên/tuần và loại truyền đóng chai 100ml, truyền 1 lọ/năm.
Với người cao tuổi, các khớp xương đều đã bị lão hóa, do đó việc tăng mật độ xương sẽ khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy, việc điều trị có thể sẽ kéo dài hàng năm thậm chí liên tục từ 4 đến 5 năm.
Để việc điều trị loãng xương đạt hiệu quả tốt nhất, người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt một cách khoa học và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các bài thể dục, thể thao tăng cường vận động như đi bộ, tập các bài tập dưỡng sinh, tập yoga,… nên được tập với tần suất mỗi ngày.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích vì chúng gây cản trở tới việc điều trị, khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, chế độ ăn uống cũng cần được chú ý, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D trong thực đơn ăn uống hàng ngày như sữa, hải sản, tôm, cua, cá, các loại đậu, mộc nhĩ, bông cải xanh, bắp cải, rau bina,…
Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần hạn chế ăn muối, không ăn các món ăn quá mặn vì chúng có thể gây cao huyết áp cũng như làm cho tình trạng loãng xương trở nên nghiêm trọng hơn. Người cao tuổi cũng cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng để không gây tổn thương thêm cho xương khớp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn