Diễn đàn được tổ chức nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Tham dự Diễn đàn có đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, đại sứ, lãnh đạo qua các thời kỳ, lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 150 đại biểu đến từ các Hiệp hội/Hội/Câu lạc bộ Doanh nhân các tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thế giới đầy biến động là sự kiên cường và khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp do các doanh nhân nữ làm chủ. Các chị em có thể trụ vững trong đại dịch Covid-19 và lo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn nhân công.
Ông Jesús Laviña - Tham tán, Phó Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho biết: "Tôi rất vui được tham dự Diễn đàn và chuyển tải thông điệp EU cam kết hỗ trợ các quốc gia đối tác thúc đẩy bình đẳng giới và hy vọng rằng bình đẳng giới góp phần tạo nên thịnh vượng cho Việt Nam".
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, nâng cao vai trò và tăng quyền năng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tiếp cận cơ hội hưởng lợi ngang bằng giữa phụ nữ và nam giới về việc làm, nâng cao năng lực trình độ, cơ hội thăng tiến, tham gia trong chuỗi cung ứng… sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới. Đây là nền tảng quan trọng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam là 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân. Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động; các doanh nhân nữ còn là lực lượng tiên phong trong thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.
"Tại Diễn đàn này, tôi mong muốn chúng ta sẽ chuyển tải mạnh mẽ một thông điệp, đó là "Thực hiện Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ" trong cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tôi trân trọng kính đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, cá nhân sẽ triển khai nhiều hơn các hoạt động quan trọng này", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết: "Hội LHPN Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ cam kết, thúc đẩy nhiều hơn nữa các giải pháp để cùng các chị, chung tay xây dựng một cộng đồng doanh nhân nữ đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, cùng nhau khát vọng, hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường".
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - chia sẻ: "Một nửa dân số thế giới là phụ nữ, do đó nền kinh tế không khai thác hết năng lực của phụ nữ sẽ lãng phí một nửa nguồn nhân lực. Tận dụng đầy đủ tiềm năng tham gia kinh tế của phụ nữ không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn rất tốt về mặt kinh tế".
Thảo luận và chia sẻ của các diễn giả từ Hội đồng Doanh nữ Việt Nam, UN Women, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, Tổng công ty May 10 và Tập đoàn Hiền Lê về những điển hình tốt đã khẳng định bình đẳng chính là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) - nhấn mạnh: "Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ thiếu đi điều kiện để thúc đẩy phát triển bền vững nếu như thiếu vắng sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ".
Bà Tuyết Minh trích dẫn Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 48,3% lực lượng lao động xã hội là phụ nữ. 70% phụ nữ tham gia lực lượng lao động trong tổng số phụ nữ ở độ tuổi lao động. Gần 28% phụ nữ giữ các vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Khoảng 45% thu nhập từ lao động thuộc về phụ nữ.
Nếu đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, GDP toàn cầu tăng thêm 12 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Nếu đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc, GDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 3,2 nghìn tỷ USD. Nếu khoảng cách giới trong thị trường lao động thu hẹp 25% vào năm 2025, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 5,3 nghìn tỷ USD.
Nếu thêm 1 thành viên nữ trong Ban lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ tăng 8-13 điểm lợi nhuận/tổng tài sản. Các công ty trong Top 25% doanh nghiệp đa dạng về giới đạt lợi nhuận cao hơn 15% so với chỉ số bình quân ngành. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận bình đẳng giới là một trong những điều kiện quan trọng để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và phúc lợi xã hội cho người lao động cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững trên sự bình đẳng và nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải chỉ là một vấn đề xã hội.
Sau phiên thảo luận là Lễ "Rung chuông Vì một nền kinh tế thịnh vượng và bền vững". Đây là một sáng kiến của VCCI, Hội đồng Doanh nhân nữ, UN WOMEN và Phái đoàn EU tại Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay thúc đẩy khu vực tư nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Đó là điều kiện quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cũng như đảm bảo phát triển thịnh vượng và bền vững của các doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Tiếp đến, đại diện 12 công ty đã tham gia ký Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) trong đợt 2 năm 2020. Trước đó, ngày 18/8, 21 lãnh đạo doanh nghiệp đã ký tuyên bố ủng hộ WEPs. Áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ có thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn