Hủ tục "nối dây" của người đồng bào Pa Cô ở xã A Vao (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) đã gắn liền với cuộc sống của bà con nơi đây nhiều đời nay. Luật tục này có nghĩa là tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân với nhà chồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức của người đồng bào Pa Cô đã thay đổi, hủ tục này đã được bài trừ ra khỏi đời sống xã hội.
Bà Hồ Thị Khăn (75 tuổi, thôn Tân Đi 1, xã A Vao) cho biết: Theo tục "nối dây", nếu người chồng chết thì người vợ sẽ phải lấy em hoặc anh trai ruột của chồng. Nếu nhà chồng không có anh em trai ruột thì sẽ phải lấy một người trong dòng họ nhà chồng.
"Có những trường hợp chồng chết, nhà chồng lại không có anh em trai, người vợ phải lấy cháu họ của chồng, cho dù người cháu này kém rất nhiều tuổi. Luật tục này không quan trọng độ tuổi, có những người phụ nữ 80 tuổi vẫn phải về làm vợ người 60 tuổi sau khi chồng chết", bà Khăn kể.
Bà Khăn cho biết, nếu ai không tuân thủ theo thì sẽ bị trừng phạt bằng cách đuổi ra khỏi dòng họ hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái. Luật tục này rất nghiêm ngặt, buộc tất cả đồng bào Pa Cô phải tuân theo.
Trước đây phụ nữ rất sợ việc "nối dây" vì rất khổ. Lấy em hay anh chồng lại có thêm con, nhà ở thì chật chội, nghèo lại càng nghèo thêm. Nhưng họ đều không dám phản đối việc này vì sợ rằng nếu phá tục thì sẽ bị "ma núi" trừng phạt.
Khoảng 15 năm trước, có một phụ nữ người dân tộc Kinh tên là Na lấy chồng ở bản Pa Lin (xã A Vao), sau khi chồng mất được 1 năm, gia đình bên chồng đánh tiếng đưa bà Na về làm vợ của em trai chồng, nhưng người phụ nữ này nhất định không đồng ý.
Lúc này, người dân trong xã đã rất náo loạn vì có thông tin bà Na có ý định phá tục "nối dây". Một nhóm người đã đến tận nhà đe dọa vì dám làm trái luật tục có từ bao đời. Có người còn nói với người phụ nữ này rằng "mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi về bắt cả bản phải mang bệnh tật… Nếu có chuyện gì xảy ra với bản thì mày sẽ phải cống nạp 1 con trâu, 1 con bò để cúng ma núi".
Khi đó, bà Na bị cả bản "cô lập" sống lầm lũi không có quan hệ hàng xóm nào. Cuộc sống cứ thế trôi qua 1 năm, 2 năm nhưng mãi chẳng thấy có con "ma núi" nào đến bắt bà Na cả, người dân trong bản thì vẫn khỏe mạnh chẳng có ai bệnh tật gì. Từ đó, phụ nữ trong bản quyết noi gương bà Na, không thực hiện tục "nối dây" nữa vì quá khổ.
"Mấy năm trước, do bà Na tuổi cao, sức yếu, trong khi điều kiện chăm sóc sức khỏe ở địa phương còn hạn chế, bà Na qua đời ở tuổi 75", bà Khăn kể.
Ông Hồ Văn Bui (người có uy tín trong cộng đồng ở thôn A Vao, xã A Vao) cho biết: Ngoài tục "nối dây" bị loại bỏ ra khỏi đời sống của đồng bào dân tộc Pa Cô, thì tục "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó" cũng bị đi vào dĩ vãng.
Trước đây, theo phong tục của người đồng bào Pa Cô ở xã A Vao, những đứa trẻ khoảng 12-13 tuổi đã bất đắc dĩ phải trở thành vợ chồng, chỉ cần hai bên bố mẹ "ưng". Bản thân ông Bui cũng là "nạn nhân" của tục này, mấy chục năm về trước, ông phải lấy người vợ hơn mình 7 tuổi vì "bố mẹ ép", dù cả hai đều không có tình yêu.
"Hồi đó, tôi không có tình cảm với vợ, vợ cũng không ưng tôi lắm, nhưng cả hai vẫn răm rắp nghe theo lời sắp đặt của bố mẹ về chung sống với nhau, mãi về sau này mới nảy sinh tình cảm", ông Bui kể.
Thấu hiểu được những gì đã phải trải qua, sau này khi làm cán bộ thôn, ông Bui rất tích cực tuyên truyền vận động bà con trong thôn, bản từ bỏ các phong tục không phù hợp. Trong khoảng 20 năm làm cán bộ thôn, năm nào ông cũng được UBND xã A Vao tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác tuyên truyền.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết: Những năm qua, nhiều phong tục lạc hậu đã được người đồng bào dân tộc Pa Cô loại bỏ. Trong đó phải kể đến vai trò của Hội LHPN nữ xã A Vao.
"UBND xã A Vao đã quyết định thành lập Tổ truyền thông cộng đồng theo đề nghị của Hội LHPN xã A Vao. Qua thời gian hoạt động, mô hình này đã mang lại hiệu quả trông thấy. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm dần theo từng năm", ông Nhiếp cho hay.
Theo ông Nhiếp, Tổ truyền thông cộng đồng có 10 thành viên, họ là cán bộ thôn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, người có uy tín trong cộng đồng... Các thành viên đều rất năng nổ, nhiệt huyết với công tác tuyên truyền giúp người dân dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn