pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng bào dân tộc Pa Cô ở huyện ĐaKrông (tỉnh Quảng Trị): Từng bước đẩy lùi "đẻ chòi"
Chị Hồ Thị Lưới cùng một số người con của mình đang làm việc ở nhà.
Ám ảnh "đẻ chòi"
A Vao là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hơn 70km. Toàn xã có 6 thôn với 3.496 khẩu, 98% dân cư là đồng bào dân tộc Pa Cô. Đường bê tông dẫn vào xã mới có khoảng 5 năm nay.
Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Tuy nhiên đời sống nơi đây vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, sinh nhiều con, đặc biệt vẫn còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp với đời sống hiện đại.
Qua câu chuyện của những nhân chứng sống, hủ tục "đẻ chòi" như nốt trầm buồn vang lên giữa núi non trùng điệp tại xã biên giới A Vao.
Theo quan niệm của đồng bào Pa Cô ở xã A Vao, phụ nữ sinh con trong nhà là điều rất cấm kỵ. Họ cho rằng việc này sẽ dẫn tà ma, xui xẻo đến "ám" những người thân trong gia đình. Vì vậy, khi phụ nữ gần đến ngày sinh, người thân sẽ dựng một cái chòi ở góc vườn hoặc bìa rừng để họ vượt cạn một mình.
Mới 38 tuổi đầu, nhưng chị Hồ Thị Lưới (thôn A Vao, xã A Vao) đã có tới 10 lần "đẻ chòi", trong 10 lần ấy, có 8 lần chị vượt cạn thành công, 2 lần chị phải nén đau, tự tay đào hố chôn cất chính đứa con mình vừa đẻ ra.
"Cứ thấy bụng tôi to là người thân lại dựng một cái chòi ở góc vườn, đưa tôi ra để tự sinh nở. Sau khi sinh, tôi phải dùng thanh nứa tự tay cắt rốn cho con mình… Trong quá trình này không ai vào trong và tôi cũng không ra ngoài. Đến bữa thì người thân mang thức ăn ra để ở cửa rồi về…", chị Lưới kể.
Chị Lưới cho biết, tục "đẻ chòi" là tục lệ có từ lâu đời của người đồng bào Pa Cô. Trước đây, khi sinh con xong thì phải nằm ở chòi từ 1 – 3 tháng mới được vào nhà. Sau này phong tục có phần nhẹ nhàng hơn, phụ nữ sinh con chỉ phải ở chòi khoảng 15 ngày.
Bà Hồ Thị Tám (60 tuổi, thôn Tân Đi 3, xã A Vao) cho biết, bà từng vượt cạn 4 lần tại chòi, nhưng chỉ có 3 lần bà được bế con về nhà, còn 1 lần phải đào hố chôn con ngay cạnh rừng. Rất đau xót, nhưng bà và nhiều phụ nữ khác không có ý kiến gì về tục "đẻ chòi".
Theo tìm hiểu, dù không có bất kỳ một hình thức "trừng phạt" nào đối với phụ nữ cố tình sinh con tại nhà. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, từng có một thời phụ nữ cứ gần đến ngày sinh là lại ra chòi ở và tự sinh con, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng.
Nghèo khó vì đông con
Nhiều năm liên tiếp, gia đình chị Lưới đều thuộc diện hộ nghèo của địa phương, bởi cả 2 vợ chồng chị đều không có công việc ổn định, nhà lại đông con. Năm ngoái, con gái cả của chị Lưới đã lập gia đình và ra ở riêng. Tuy nhiên cuộc sống mới của cô con gái cả này cũng chẳng khấm khá gì nên không giúp được gì cho bố mẹ và các em.
Hàng ngày chồng chị Lưới phải dậy từ sáng sớm để lên rừng hái măng và kiếm củi đem bán, công việc tuy vất vả nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng, số tiền này vừa đủ để cho cả nhà ăn uống cả ngày. Còn chị Lưới ở nhà phụ trách dọn dẹp nhà cửa và trông coi 7 người con, trong đó cháu nhỏ nhất mới 3 tuổi.
"Có hôm chồng bị ốm, không lên rừng được, trong nhà chỉ còn đúng 1 nắm gạo, cả nhà 9 miệng ăn phải nấu cháo loãng húp cho qua bữa. Mình thì không sao, nhưng thương nhất là đám trẻ con", chị Lưới kể.
Cuộc sống gia đình bữa đói, bữa no nhưng vợ chồng chị Lưới chẳng mấy khi xảy ra cãi vã. Tuy rằng trong cuộc sống hôn nhân cũng có lúc "cái bát va nhau", nhưng cả 2 đều biết nhẫn nhịn để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa hạnh phúc, cùng nhau cố gắng để chăm sóc cho các con.
"Giá mà trước đây vợ chồng tôi biết được các biện pháp tránh thai an toàn thì tốt biết mấy. Giờ tôi thấy hối hận quá. Cũng may mà năm 2021, tôi được cán bộ thôn đến tuyên truyền, hướng dẫn cách đặt vòng tránh thai, không thì có lẽ bây giờ tôi đã đẻ thêm mấy cháu nữa rồi", chị Lưới nói.
Theo thống kê của UBND xã A Vao (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị), tính đến tháng 6/2024, toàn xã có 741 hộ dân, trong đó có 391 hộ nghèo (chiếm gần 53%) và 75 hộ cận nghèo (chiếm hơn 10%).
Bà Hồ Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, gia đình chị Lưới là một trong những hộ gia đình sinh quá nhiều con ở địa phương. Tuy nhiên vẫn chưa phải là nhất, có trường hợp người đàn ông cưới 6 vợ và sinh 27 đứa con. Tất cả các vợ và các con đều ở chung nhà.
"Tất cả các hộ nghèo, cận nghèo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô và có điểm chung là sinh nhiều con và không có công việc ổn định", bà Thoa cho hay.
Cũng theo bà Thoa, trên địa bàn xã không có doanh nghiệp hay công ty nào, nam giới hàng ngày chủ yếu là lên rừng, một số đi làm thợ xây ở các địa phương khác. Còn phụ nữ ở nhà và chăm sóc con cái. Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các chị em trên địa bàn, mọi người đều mong muốn có một công việc gì đó có thể làm gần nhà, để vừa kiếm được tiền vừa có thời gian chăm con.
Nững năm qua tình trạng "đẻ chòi" của người đông bào dân tộc Pa Cô đang giảm dần, trong những năm gần đây chỉ có vài trường hợp, rất may là không có trường hợp nào tử vong. Nhận thức của người đồng bào dân tộc Pa Cô tại địa phương những năm qua đã thay đổi đáng kể, các phong tục tập quán lạc hậu đang từng bước được xóa bỏ, trong đó có tục "đẻ chòi".
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị)