Người phụ nữ dân tộc Pa Cô thoát nghèo: Từng cầm 50 triệu tiền vay mà không biết phải làm gì

Nguyễn Long
04/11/2023 - 15:44
Người phụ nữ dân tộc Pa Cô thoát nghèo: Từng cầm 50 triệu tiền vay mà không biết phải làm gì

Chị Ngam đang cắt tỉa lá chuối khô.

Từ 50 triệu đồng vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế, gia đình chị Ngam đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế trong khu vực.

Từng được giúp đỡ

Là hộ nghèo suốt nhiều năm liên tiếp từ năm 2005 - 2021, vì cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định. Thế nhưng, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện A Lưới, vợ chồng chị Hồ Thị Ngam (37 tuổi, thôn A Tia, xã Hồng Kim) được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, vợ chồng chị Ngam đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên là một trong những tấm gương sáng về làm kinh tế trong xã.

Nhớ lại thời điểm mới vay vốn 50 triệu đồng, chị Ngam cho biết, cầm tiền xong không biết sử dụng vào mục đích gì để thu lời. May mắn là được Hội LHPN huyện A Lưới định hướng đầu tư vào chăn nuôi và trồng trọt.

Nỗ lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Pa Cô: “Người có thể khát, nhưng chuối thì không” - Ảnh 1.

Vườn chuối của gia đình chị Ngam có gần 200 gốc

"Hội LHPN huyện A Lưới hướng dẫn tôi đầu tư mua 2 con bò giống, 2 con dê, số tiền còn lại đầu tư vào giống chuối già lùn. Năm đầu tiên, do không biết cách chăm sóc nên chuối già lùn cho ra quả tẹt, bán không ai mua. Thế nhưng từ năm thứ 2, tôi được đi tập huấn về cách chăm sóc chuối già lùn, sau đó tôi về áp dụng theo các phương pháp được học, vườn chuối đã thay đổi theo hướng tích cực", người phụ nữ dân tộc Pa Cô chia sẻ.

Đến mùa thu hoạch tiếp theo, gần 200 gốc chuối của gia đình chị Ngam đồng loạt cho ra quả với mẫu mã đẹp. Thế nhưng, càng sát đến ngày thu hoạch, gia đình chị lại càng lo lắng vì gần 200 buồng chuối… không có đầu ra. Ban đầu chị Ngam mang ra chợ bán, thế nhưng mỗi buồng chuối chỉ được khoảng 60 – 80 nghìn đồng, ngang với các loại chuối khác.

"Chuối của gia đình tôi được chăm sóc theo các phương pháp khoa học kỹ thuật hữu cơ, hay còn gọi là chuối sạch rất vất vả. Chuối cho ra quả to, mẫu mã đẹp lại không có hóa chất nên không thể bán ngang với chuối chăm sóc theo cách thông thường được, vì nếu bán như vậy thì sẽ lỗ vốn", chị Ngam cho biết.

Nỗ lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Pa Cô: “Người có thể khát, nhưng chuối thì không” - Ảnh 2.

Chuối được bọc túi nilon để tránh sâu bọ

Đứng trước nguy cơ lỗ vốn nặng vì chuối bán không được giá, các cấp Hội LHPN huyện A Lưới đã cùng đồng hành, hỗ trợ đưa chuối của gia đình chị Ngam xuất vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh với giá từ 100 – 150 nghìn đồng/buồng.

Chị Ngam cho biết, mỗi năm chuối thu hoạch làm 2 vụ, vào dịp Tết và khoảng tháng 6 âm lịch. Để chuối to, mẫu mã đẹp thì mỗi năm phải thay gốc mới 1 lần. Bên cạnh đó, phải đầu tư công sức, cắt tỉa lá, chăm sóc chuối hàng ngày.

Nỗ lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Pa Cô: “Người có thể khát, nhưng chuối thì không” - Ảnh 3.

Nhờ vào chuối lùn mà gia đình chị Ngam đã thoát nghèo

"Vất vả nhất là vào mùa hè. Mỗi ngày phải tưới cho chuối 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Có hôm tôi bị ốm, nhưng vẫn cố làm, kết quả là ngất ngay tại vườn chuối, may mà có chị hàng xóm phát hiện, pha cho cốc nước đường uống mới tỉnh. Nhìn lá chuối khô cong, lại sắp đến mùa thu hoạch tôi lo lắng lắm, "người có thể khát, nhưng chuối thì không", vì vườn chuối là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi"- chị Ngam kể.

Sẵn sàng giúp đỡ người khác

Chị Ngam ước tính, trừ các khoản chi phí, mỗi năm chị thu lời từ vườn chuối khoảng 60 triệu đồng. Còn bò và dê mỗi năm lãi khoảng 10 triệu. Các khoản thu nhập này về túi chị đều đặn suốt vài năm qua. Năm 2021, gia đình chị chính thức thoát nghèo.

Từ khi chị Ngam nổi tiếng thành công với mô hình chuối già lùn, đã có nhiều phụ nữ trong bản, xã đến để học hỏi kinh nghiệm. Chị Ngam nói mình đã chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ nhiều người. Hầu hết những người này đều thành công.

"Mình chia sẻ không vì cái gì cả, đã từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi. Mỗi khi có đi đến đâu được mời ăn bữa cơm, cảm thấy được quý mến là vui lắm rồi", người phụ nữ dân tộc Pa Cô nói.

Nỗ lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Pa Cô: “Người có thể khát, nhưng chuối thì không” - Ảnh 4.

Dê của gia đình chị Ngam được thả ngay trong vườn

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, cho biết, hiện toàn huyện có khoảng gần 400ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn khoảng 110ha. Bước đầu, chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa, khẳng định được thương hiệu, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như phát triển phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.

Để phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn huyện, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử để thương hiệu chuối già lùn A Lưới vươn xa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm