Đồng tiền số sẽ chính thức ra mắt vào năm 2022?
Gần đây, Trung Quốc đã cho ra mắt một đồng tiền mới có thể làm thay đổi ý nghĩa tiền tệ. Đó là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP), hay còn gọi là đồng tiền số Trung Quốc, phiên bản nâng cấp của đồng nhân dân tệ.
Theo tạp chí Forbes, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bắt đầu tiến hành quá trình thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phát triển trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) và Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số.
Theo các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc, DCEP có thể hỗ trợ chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép truy cập dữ liệu liên quan đến nhu cầu theo thời gian thực. Ngoài ra, DCEP do Ngân hàng trung ương trực tiếp kiểm soát, trong khi các hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain sẽ có cơ hội hoạt động nhanh hơn và minh bạch hơn.
Khách hàng sẽ có thể mở ví trong ngân hàng và sử dụng DCEP để thanh toán với nhau với chi phí thấp hơn và mức độ bảo mật cao vì điều này giúp loại bỏ nguy cơ bị trừng phạt của bên thứ ba.
Trong cuộc họp có sự tham gia của một số tổ chức nghiên cứu và phát triển DCEP mới đây, rất nhiều tập đoàn lớn cũng đã được mời tham gia sử dụng thử đồng tiền này. Trong danh sách những cái tên được mời có Starbucks, McDonald, Subway và chuỗi cửa hàng bánh bao nổi tiếng của Trung Quốc Qing-Feng Baozi, cũng như các khách sạn nổi tiếng trong khu vực, cửa hàng tiện lợi, nhà sách…
Những người tham gia khác bao gồm nhân viên từ các chi nhánh Xiongan của 4 ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, cũng như đại diện của Tencent và Alipay.
Dù chưa chính thức ra mắt, nhưng DCEP hiện đã là một bộ phận của hệ thống tiền tệ của Trung Quốc. Trong thời gian đầu, những hoạt động thử nghiệm DCEP sẽ được áp dụng tại 4 thành phố lớn của Trung Quốc gồm: Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô, Bảo Định và DCEP được dự kiến là sẽ chính thức hoạt động nhân dịp diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.
Tiền số Trung Quốc có ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam?
Việt Nam vốn có sự giao thương chặt chẽ với Trung Quốc nên chúng ta cần nghiêm túc xem xét hình thái tiền tệ mới này để nắm bắt các cơ hội và đối phó với những thách thức, rủi ro.
Ở thị trường Trung Quốc, DCEP được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn… sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, DCEP chưa gây quan ngại vì Việt Nam chưa cho phép thanh toán đồng tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, đây là xu hướng toàn cầu, nên Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, đánh giá cũng như xây dựng khuôn khổ pháp luật để đưa vào quản lý.
Trong tương lai, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng nên nghiên cứu cho ra đời đồng tiền số Việt Nam để trao đổi, nhằm thúc đẩy giao dịch nhanh hơn. Thêm nữa, vì sự hữu dụng và phổ biến đồng tiền số tại Trung Quốc, nếu các nhà kinh doanh Việt Nam muốn tiếp cận khách hàng láng giềng nhiều hơn, thì việc đẩy nhanh số hóa trong hoạt động thanh toán là cần thiết. Đó là chưa kể với đồng tiền kỹ thuật số, người dân các nước có thể dễ dàng giao dịch trực tiếp với Trung Quốc với chi phí rất rẻ và không bị mất tiền khi trao đổi ngoại tệ.
Một ví dụ rõ ràng nhất là khi thực hiện giao dịch qua đồng tiền số, khách Trung Quốc đến Việt Nam đi du lịch nhưng mọi thanh toán của họ lại chạy thẳng về Trung Quốc.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
Tuy nhiên, việc giao dịch đồng tiền kỹ thuật số cũng sẽ xuất hiện rủi ro: hackers xâm nhập hệ thống, ảnh hưởng đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng. Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cũng sẽ không được hưởng các giá trị lợi ích từ các giao dịch này mà Trung Quốc mới là bên được hưởng lợi.
Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần sớm đánh giá tác động của việc Trung Quốc triển khai đồng DCEP và kể cả các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số khác. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cũng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn