Hiệp định EVFTA: Cơ hội để lao động nữ tiến đến bình đẳng một cách nhanh nhất

Hưng Long
20/06/2020 - 09:19
Hiệp định EVFTA: Cơ hội để lao động nữ tiến đến bình đẳng một cách nhanh nhất

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Người lao động cần phải được đào tạo và tái đào tạo liên tục để đáp ứng trong quá trình gia nhập EVFTA. Đối với lao động nữ, đây là cơ hội tiến đến bình đẳng xã hội một cách nhanh nhất.

Đào tạo người lao động mới là vấn đề cốt lõi của EVFTA

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, vấn đề đào tạo lao động là cốt yếu trong thực hiện các hợp đồng, hiệp ước thương mại tự do. Bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (viết tắt: Hiệp định EVFTA) cũng như các hiệp ước trước như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt: Hiệp định CPTPP) đòi hỏi trình độ lao động rất cao.

Vì trình độ lao động cao thì sản xuất các mặt hàng mới đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu và miễn trừ, giảm thuế trong tương lai. Còn nếu trình độ lao động thấp thì dĩ nhiên hàng "made in Vietnam" không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của EVFTA để tận dụng các lợi thế của EVFTA.

Trong hiệp định EVFTA có những chương dành riêng cho lao động đòi hỏi Công đoàn phải được tổ chức phù hợp theo thông lệ quốc tế. Vấn đề đào tạo người lao động cũng như đãi ngộ người lao động phải phù hợp. Lúc đó, các bên của EVFTA mới có thể tận dụng được lợi thế. Do đó, đào tạo người lao động mới là vấn đề cốt lõi của EVFTA.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đào tạo lao động có năng lực, trình độ để đáp ứng theo EVFTA thì không thể làm ngay được. Có nhiều vấn đề có thể thực hiện ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Chẳng hạn, tiêu chí về sản phẩm, tiêu chí về xuất xứ hay những đòi hỏi về chuẩn mực cho dược phẩm, cho nhiều hàng hóa thì Việt Nam thì có thể thỏa mãn.  

Năng lực lao động của Việt Nam đã thấp và nhiều lao động lại không có ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ luật pháp cao. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Đây là một trở ngại khi đi vào hiệp định EVFTA có độ khó tăng, đòi hỏi không những chính phủ, doanh nghiệp mà người lao động phải thực thi những tiêu chuẩn ở mức độ cao. Nhiều người lao động Việt Nam có xu hướng "lách luật được thì lách". Với tinh thần như vậy thì không thể tiến xa được, không thể thực hiện thành công được tất cả các điều khoản mà hiệp định EVFTA đòi hỏi".

Ý thức người lao động phải được rèn luyện, được đào tạo lại để người lao động làm việc với ý thức của người đứng đầu, của người trực tiếp kinh doanh và cũng là ý thức trách nhiệm với xã hội. Không thể để cho người lao động có xu hướng "lách luật được thì lách". Lao động ở các nước tiên tiến không như vậy.

Tiến sĩ Hiếu băn khoăn, luật được ban hành là người dân - người lao động phải cố gắng tuân thủ và rất sợ vấn đề bất tuân pháp luật. Ở Việt Nam, nhiều lao động còn xem nhẹ pháp luật và đây là vấn đề làm chậm tiến bộ xã hội, làm chậm tiến trình thực hiện EVFTA.

EVFTA tạo sự bình đẳng cho lao động nữ

Hiệp định EVFTA mang đến lợi thế cho Việt Nam trong những ngành như: Da giày, dệt may, thủy hải sản… Những ngành này sử dụng rất nhiều lao động nữ và là cơ hội tốt cho lao động nữ. Thế nhưng, lao động nữ không phải chỉ được hưởng lợi từ thu nhập tốt hơn, công ăn việc làm tốt hơn, ổn định hơn mà còn nâng cao vị trí và đời sống vật chất, tinh thần của người phụ nữ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: "Khi so sánh với lao động nam, lao động nữ vẫn bị thiệt thòi. Trong trường hợp nếu một người lao động nữ và lao động nam cạnh tranh với nhau cho cùng một chức vụ, giữa cùng một điều kiện thì lao động nam luôn chiếm ưu thế".

Bài 4 và hết: Lao động nữ tiến đến bình đẳng trong xã hội   - Ảnh 1.

Vấn đề nữ quyền được đề cao khi tham gia Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa

Vai trò của người phụ nữ ở Việt Nam phải được nâng cao. Phải thúc đẩy phụ nữ gia nhập vào hàng ngũ lãnh đạo tại các doanh nghiệp. Trong thể chế cần phải có nhiều phụ nữ tham gia vào các cơ quan hành pháp, lập pháp và kể cả tư pháp. Khi gia nhập EVFTA, Việt Nam phải cam kết tạo ra sự bình đẳng cho người phụ nữ và vai trò của người phụ nữ cần phải được nhìn nhận đúng hơn.

Tiến sĩ Hiếu đánh giá, một trong những điều trở nên hiện tượng là vấn đề xâm phạm tình dục nữ phải được xem là tối kỵ. Ở Mỹ, cách đây hơn 10 năm, có trường hợp một người là luật sư, một người là chánh án tranh chức cho vị trí tối cao pháp viện. Hai nhân vật này đều là người da màu. Vị nữ luật sư đã tố cáo ông chánh án đi ngang bàn của bà ấy rồi chỉ vào cốc nước nói: "Ở trong đó có cọng lông" (ông chánh án muốn ám chỉ đó là của nữ luật sư - PV).

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra dẫn chứng: "Chỉ cần ông chánh án có lời nói và bị tố cáo như vậy thôi thì cả xã hội Mỹ dậy sóng. Dư luận quyết tìm ra xem ai nói đúng và ai nói sai. Một lời nói bâng quơ cũng đủ để được xem là hành vi xâm hại tình dục".

"Còn ở Việt Nam, phụ nữ bị xâm hại tình dục không chỉ trong những cử chỉ, hành động mà cả những từ những lời nói dễ bị xúc phạm. Việt Nam đã có Luật quy định về tội xâm hại tình dục nên cần phải xử nghiêm các hành động xâm hại phẩm giá người phụ nữ", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm