Hiệp định EVFTA: Người lao động phải nâng cao tay nghề

Hưng Long
19/06/2020 - 09:00
Hiệp định EVFTA: Người lao động phải nâng cao tay nghề

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua hứa hẹn sẽ tạo gần 150.000 việc làm mỗi năm nhưng dành cho lao động trong nước hay phải “nhập khẩu” lao động?

Việc làm không thể đến một cách tự động 

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Ngô Trí Long thẳng thắn nhận xét vấn đề về cơ hội cho người lao động trong nước. Ông Long nói: "Phân tích về cơ hội thì rõ là rất lớn nhưng cơ hội có trở thành hiện thực hay không thì phải vượt qua được thách thức. Chắc chắn khi đã làm thì phải đẩy mạnh hội nhập, xuất khẩu hàng hóa và tận dụng tất cả các cơ hội thì mới có thể tạo ra được việc làm".

Nếu hàng trong nước không mang sang được thị trường EU và có xuất khẩu được nhưng không cạnh tranh được, không bán được thì không thể tạo được công ăn việc làm. Do đó, các triển vọng, những dự báo đều chỉ là trên giấy. Phải vượt qua được thách thức một cách chắc chắn thì sẽ có cơ hội và tùy vào lĩnh vực, tùy vào ngành hàng.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: "Hiệp định EVFTA tạo ra công ăn việc làm cho 150.000 lao động mỗi năm là có khả năng nhưng phải xem thực hiện EVFTA như thế nào để tạo ra số lượng việc làm nhiều như vậy. Việc làm không thể đến một cách tự động mà phải tùy vào việc thực hiện EVFTA".

Nhiều ý kiến cứ dự báo tạo ra gần 150.000 việc làm hay 1 triệu việc làm cũng chỉ đang đứng ở góc độ lý thuyết. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Đừng bao giờ ru ngủ, mơ tưởng những con số như vậy. Hãy thực hiện những bước đi đầu tiên và phải từng bước một. Tất nhiên, khi đã đi vào đại lộ lớn thì đầy thách thức và muôn vàn khó khăn".

Tiến sĩ Long dẫn chứng, ngay ở thị trường lao động láng giềng là Trung Quốc với dân số đông nhất thế giới, muốn xuất khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch vào quốc gia này cũng phải vượt qua được rất nhiều rào cản kỹ thuật. Hiệp định EVFTA là vào thị trường các nước phát triển với rào cản rất cao nên muốn tận dụng được cơ hội thì hàng hóa phải được phép nhập khẩu và được người tiêu dùng chấp nhận.

Mọi con số đưa ra đều mang tính dự báo mà muốn trở thành hiện thực thì trước hết, nhà nước phải cải cách thể chế. Từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, biết mặt mạnh và mặt yếu. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lập luận: "Đã vẽ ra được cơ hội thì phải nhìn được về mặt cơ hội cũng như thách thức. Muốn thấy cơ hội thì vẽ ra sẽ thấy lắm cơ hội. Đành rằng, vị thế của Việt Nam đã nâng lên là được chơi với khối EU nhưng vị thế có được tồn tại hay không, hay thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến sân khách?".

Người lao động phải nâng cao tay nghề

Cách đây 20 năm, Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO cũng đã có những tính toán về tăng trưởng kinh tế nhưng cho đến nay, tốc độ tăng trưởng chưa đạt được những gì đã đề ra. Do đó, dự báo chỉ là dự báo, viễn cảnh chỉ là viễn cảnh và phải vượt qua được các thách thức.

Tiến sĩ Long bình luận: "Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả các ngành nghề, cho các đối tượng lao động kể cả nam và nữ. Người lao động phải nâng cao tay nghề, nam - nữ bình đẳng thì những lĩnh vực hay ngành hàng nào phát triển đều có thể tham gia. Lao động nam - nữ đều có cơ hội như nhau nếu đạt được đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp đề ra".

Bài 3: Cơ hội nào cho gần 150.000 lao động mỗi năm?   - Ảnh 2.

Người lao động Việt Nam phải được đào tạo và tái đào tạo khi gia nhập EVFTA. Ảnh minh họa

Việt Nam gia nhập EVFTA thì cơ hội đầu tư sản xuất nhiều hơn, tiếp cận nền công nghệ mới, có nhiều hãng sản xuất đến Việt Nam để đầu tư. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng GDP, cơ hội để phát triển là chế biến sản phẩm từ thô sang tinh chế.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đưa ra quan điểm về ngành công nghiệp của Việt Nam mới chỉ làm phụ kiện và gia công lắp ghép. Các sản phẩm công nghiệp Việt Nam chưa thể nắm được khâu quyết định hết tất cả cho sản phẩm đó, như: Lắp ráp tivi, lắp ráp ô tô…

Riêng ngành nông nghiệp, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được các sản phẩm thô ra nước ngoài. Hiệp định EVFTA được thực thi, các doanh nghiệp tìm đến để đặt nhà máy chế biến nông sản thô thành sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để hàng hóa được gắn mác "made in VietNam" đi ra thị trường nước ngoài.

Tiến sĩ Nhân nói về tốc độ tăng trưởng kinh tế của 5 năm đầu khi thực hiện EVFTA: "Chúng ta đặt cột mốc để tiến tới và còn tiến tới như thế nào thì phải có kế hoạch cụ thể. Để có những kế hoạch chi tiết này thì các Bộ ngành phải ngồi lại để rà soát xem chúng ta đang có gì và đang còn thiếu những gì?".

Các trường nghề đào tạo công nhân chỉ ở mức tay nghề thấp cấp chứ chưa có công nhân lành nghề thuộc hạng cao cấp. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý… phải ngồi lại với nhau để cùng nhìn nhận những ngành nghề có thể đáp ứng nhu cầu tức thời và những ngành nào đáp ứng nhu cầu bậc cao nhằm đưa ra một lộ trình hợp lý.

(còn tiếp)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm