Cùng với tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khắc phục định kiến giới, các tổ truyền thông cộng đồng phát huy hiệu quả hoạt động còn nhằm tiến tới bài trừ những tập tục lạc hậu, tiêu cực đối với phụ nữ, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều cố gắng của các cấp Hội LHPN, đặc biệt là vai trò của các tổ truyền thông cộng đồng của huyện Sơn Động với những thành viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số, hiện nay các nội dung của Dự án đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong nhân dân.
Bà Đinh Thị Tuyết, Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã có những chia sẻ về hoạt động này tại địa phương.
Là 1 trong 5 địa bàn thuộc Dự án 8 của tỉnh Bắc Giang, Hội LHPN Sơn Động đã có những hoạt động cụ thể như thế nào. Thưa bà?
Ngoài việc thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở để hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm thực hiện các nội dung cụ thể của dự án. Vận động các Hội cơ sở tham gia đầy đủ 40 hội nghị triển khai, lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị của Hội LHPN tỉnh Bắc Giang tổ chức...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa những điều tốt đẹp, ngoài các buổi giao lưu, thảo luận nhóm, Hội LHPN huyện Sơn Động chỉ đạo các Hội cơ sở tổ chức hội thi, giao lưu văn nghệ, sân khấu hóa kết hợp hỏi đáp, tư vấn về giới, hạnh phúc gia đình.
Nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong nhân dân, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn phát động chiến dịch truyền thông về Dự án 8. Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập giúp bà con DTTS, miền núi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có thể "giảm nghèo về thông tin", tiến tới giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với sự nhiệt huyết của cán bộ, hội viên phụ nữ từ huyện đến cơ sở, phương pháp triển khai sáng tạo, phong phú của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện, Dự án 8 đã và đang thổi một luồng gió mới, góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", định kiến, tiến tới xây dựng bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương, đặc biệt là những xã nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là nội dung của phóng sự phản ánh về những kết quả tích cực trong bước đầu thực hiện Dự án.
Huyện Sơn Động có hơn 72% phụ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS), định kiến giới trong gia đình đối với phụ nữ ở một số địa phương vẫn còn khắt khe. Hội đã có những hoạt động nào để phù hợp với người dân và bám sát hướng dẫn của cấp trên. Thưa bà?
Hội LHPN huyện Sơn Động khảo sát tình hình thực tế, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, đưa nội dung này vào tiêu chí thi đua hằng tháng của các hội cơ sở, gắn với Cuộc vận động "3 trách nhiệm" trong cán bộ, hội viên phụ nữ.
Năm 2022 Hội LHPN huyện đã chỉ đạo 17 cơ sở Hội chọn 1 thôn điểm, thành lập và ra mắt 108 tổ truyền thông cộng đồng tại 108 thôn đặc biệt khó khăn, mỗi tổ từ 7-9 thành viên gồm: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, trưởng ban Mặt trận, già làng/trưởng bản; người có uy tín trong thôn, bản, cộng đồng người dân tộc thiểu số; chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh và bí thư chi đoàn, hội viên phụ nữ.
Năm 2023, Hội tổ chức 15 lớp tập huấn hướng dẫn, vận hành, theo phương châm "cầm tay chỉ việc" cho thành viên của các "Tổ truyền thông cộng đồng" ở 14 xã đặc biệt khó khăn và các thôn khó khăn của xã Long Sơn, Tuấn Đạo, thị trấn An Châu, thu hút 1.800 thành viên tham gia.
Điển hình như tổ truyền thông tại thôn Mùng, xã Dương Hưu, là thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù mới chỉ đi vào hoạt động vài tháng nay, song với sự năng nổ, tích cực của các thành viên, nội dung, hình thức truyền thông được lựa chọn phù hợp với người dân, từng hộ gia đình đã đạt được một số kết quả.
Tổ tuyên truyền về trách nhiệm chia sẻ, gánh vác công việc trong gia đình của vợ và chồng; phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tư tưởng cũ về việc "đàn bà phải lo cơm nước, việc nhà", phải có con trai để nối dõi cũng đã dần thay đổi, có thêm nhiều nam giới trong thôn tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao dịp tết, lễ hội.
Được biết, Tổ truyền thông cộng đồng đã phát huy được giá trị trong thực hiện bình đẳng giới tại địa phương, bà có thể nói rõ hơn được không?
Hiện nay, một số thôn Dương Hưu vẫn còn tồn tại phân biệt đối xử nam, nữ. Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN xã đã tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập 8 tổ truyền thông cộng đồng tại 100% thôn trên địa bàn xã và hoạt động tích cực ngay từ những ngày đầu thành lập. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn phát động chiến dịch truyền thông về Dự án 8. Nhờ đó đã tổ chức 17 Hội thi, giao lưu thông qua hình thức sân khấu hóa giữa các tổ, mô hình truyền thông, tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm sáng tạo, hiệu quả xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em. Mỗi tuần 3 lần vào các buổi chiều nhằm thông tin tuyên truyền về định kiến giới, phòng ngừa tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em được phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Cùng với đó, Hội LHPN các cấp phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Củng cố nâng cao chất lượng 17 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền đến hội viên, người dân về mô hình địa chỉ tin cậy - nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em tạm lánh nạn khi bị bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số.
Đối với nội dung đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, Hội đã hỗ trợ thành lập 14 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường học, đối thoại chính sách cấp xã liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực cho cán bộ nữ là dân tộc thiểu số...
Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
Từ kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp tiếp tục tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa, hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội cũng như thành viên tổ; đẩy mạnh việc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm; đa dạng hóa hình thức truyền thông, lồng ghép các nội dung nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, phấn đấu đạt mà vượt các mục tiêu đề ra của Dự án, cùng với các chương trình, Dự án khác của các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội huyện vùng cao Sơn Động.
Cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn