Chị Nguyễn Thị Hiền Lương (ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) có hai cậu con trai (một học lớp 4, một mới 5 tuổi). Do dịch Covid-19, hai con chị không thể đến trường. Song, hai vợ chồng không thể nghỉ việc ở nhà nên chị đành gửi hai con về Bắc Giang.
Thời gian đầu, chị Lương nghĩ đây là cách tốt nhất, con an tâm tránh dịch mà vẫn đảm bảo được việc học vì đã có chiếc máy tính xách tay đi kèm. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như chị nghĩ.
Các bậc cha mẹ cần nắm chắc thời khóa biểu học của con và trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để từ đó hiểu được trẻ có thật sự tập trung trong lúc học trực tuyến hay không, trẻ lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức. Với những trẻ nhỏ, cha mẹ có thể ngồi học cùng con nhưng với những trẻ lớn nên tăng cường trò chuyện, khéo léo nhắc nhở con, thể hiện sự tin tưởng ở con để con hiểu rõ được trách nhiệm của mình với việc học.
Cô Nguyễn Thị Thêu, giáo viên Trường Tiểu học B Thọ Nghiệp (Xuân Trường, Nam Định)
Được tự do sử dụng máy tính, cậu bé không chuyên tâm học hành mà thường xuyên biến mất trên màn hình học zoom để vào các trang web chơi game, xem youtube…
Khi nhận được điện thoại của giáo viên, chị Lương gọi điện về kiểm tra thì con viện lý do đường truyền mạng trục trặc. Đỉnh điểm có 2 lần con chị làm bài thi online nhưng không điền tên, không nộp bài nên phải thi lại.
Khi Hà Nội hết giãn cách xã hội, chị Lương về đón con lên. Người mẹ này đã thuê một gia sư kèm con học, tiện trông luôn bé trai thứ hai với mức phí 250.000 đồng/ngày. "Có sự giám sát của người lạ trong nhà, con trai có vẻ không thích. Nhưng tôi nghĩ cũng không còn cách nào khác", chị Lương chia sẻ.
Không thuê người trực tiếp quản lý con như chị Lương, anh Phạm Văn Hội (ở phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) lựa chọn phương án lắp camera. Anh Hội chia sẻ, con gái anh năm nay học lớp 8. Cô bé chỉ thích học những môn thuộc khối tự nhiên nên khi học các môn xã hội, bé không hứng thú và thường tìm cách "trốn tiết".
Có hôm đang làm việc, anh thấy camera mờ mờ một màu trắng, không quan sát được gì. Gọi điện về cho con thì cô bé bảo: "Có lẽ do nó bị hỏng ba ạ". Tuy nhiên, tối về nhà kiểm tra, anh phát hiện cô con gái tinh nghịch đã quay camera lên trần nhà để tránh bị ba mẹ giám sát từ xa.
Trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh cũng thường xuyên than phiền vì gặp khó khăn khi quản lý con học online. Họ chia sẻ cho nhau đủ mẹo "soi" con như lắp camera, cài phần mềm theo dõi ngầm trên máy tính, kiếm cớ cất quần áo, tìm đồ vật để kiểm tra đột xuất, vợ chồng xin làm ở nhà cách nhật để quản lý con… Tuy nhiên, chẳng có cách nào là hiệu quả tuyệt đối.
Nhiều cha mẹ vẫn muốn nổ tung đầu vì con học thì ít, chơi game thì nhiều, ngày càng nghiện lên mạng internet. Nhiều trẻ tỏ ra chống đối, ít nói chuyện, lầm lì sau khoảng thời gian dài học online ở nhà.
Đầu tháng 1/2022, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ một câu chuyện đau lòng. Một bà mẹ ở Hà Nội đã quyết định lắp camera trong phòng để giám sát việc con học online và ngăn chặn con chơi game quá nhiều.
Việc làm này khiến cậu con trai 13 tuổi cảm thấy không thoải mái. Hôm camera lắp xong, cậu bé liền đi vào phòng tắm và cầm theo chiếc khăn quàng đỏ. Hơn 20 phút không thấy con ra, người mẹ mở cửa nhà tắm thì đã thấy con thắt cổ tự tử.
Học online thực sự là một thách thức. Phụ huynh nên tạm bỏ qua thành tích, không đặt mục tiêu quá cao mà sinh ra căng thẳng. Hay nói cách khác, phụ huynh cần "giảm kỳ vọng, tăng kỳ công" (cùng ngồi trò chuyện, hỗ trợ con), "giảm chỉ trích, tăng chỉ dẫn" (hướng dẫn con bắt đầu giai đoạn học tập).
PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội
Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, gần đây bệnh viện thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân trong nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên.
Nhiều bệnh nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học online kéo dài bị rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng. Điển hình là trường hợp một nữ sinh lớp 12 có biểu hiện buồn chán, hay cáu gắt và thường xuyên thực hiện các hành vi hành hạ cơ thể như dùng dao cắt vào tay. Áp lực học tập, cùng với việc phải ở nhà lâu do dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của trẻ. Có trẻ trước đây hiền lành, nghe lời nhưng giờ lại sinh ra cáu gắt vô cớ, nói năng tục tĩu...
Theo bác sĩ Sáu, khi trẻ ngồi cả ngày trước máy tính thì không thể tránh khỏi việc sa đà vào game hay phim ảnh. Hơn nữa, vì trẻ không được đi ra ngoài thường xuyên, không được vui chơi trò chuyện với bạn bè nên tâm lý rất nhạy cảm. Vì vậy cha mẹ nên lựa theo tính cách của từng đứa trẻ để có cách quản lý, giám sát hợp lý. Không nên cứng nhắc, nghiêm khắc quá dễ khiến trẻ "bùng nổ", chống đối hoặc ít tâm sự, chia sẻ cùng bố mẹ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn