pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách cha mẹ giúp con giảm áp lực khi học online
Ảnh minh họa
Dấu hiệu trẻ căng thẳng khi học online
Theo báo cáo của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Tại Việt Nam, tỉ lệ học sinh căng thẳng trong học kỳ online cũng không ít, ảnh hưởng đến việc tiếp thu, đời sống hàng ngày của trẻ.
Vậy tại sao lại ngày càng nhiều trẻ gặp phải tình trạng này? Trước hết, phải khẳng định một điều đó là việc học online tại Việt Nam còn mới, do đó đội ngũ giáo viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy và học online, điều này kéo theo chất lượng giảng dạy không đạt hiệu quả cao như offline.
Cùng với đó, trẻ học online sẽ thiếu sự giao tiếp, hướng dẫn và kèm cặp trực tiếp của cô và trò, thiếu sự tương tác, thảo luận với các bạn cùng lớp, tạo nên sự mơ hồ trong các tiết học thực hành. Ngoài ra, các thiết bị điện tử cũng có tác động không nhỏ đến sức khỏe các em. Việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop hay máy vi tính quá lâu và liên tục cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Vậy làm thế nào để các bậc phụ huynh nhận ra con đang bị căng thẳng trong quá trình học online tại nhà? Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết:
- Trẻ xao nhãng, mơ hồ và kém linh hoạt trong tiết học.
- Trẻ ngủ gục, mệt mỏi, mắt lờ đờ khi nhìn màn hình.
- Trẻ không thích học, không tập trung và phản ứng chậm trước các yêu cầu của thầy/cô giáo.
Tư vấn của chuyên gia
Buổi tọa đàm "Giải tỏa tâm lý căng thẳng, giúp trẻ học như chơi trên môi trường trực tuyến" mới đây do kênh POPS Kids thực hiện có sự tham gia trò chuyện, chia sẻ và tư vấn đến từ 3 khách mời đặc biệt: Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con"; ông Lê Quang Tuấn - Giám đốc Đào tạo - đồng sáng lập Học viện Công nghệ Sáng tạo Teky và Thạc sĩ - Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thị Minh Tân. Bàn về tâm lý và hành vi của trẻ trong giai đoạn học trực tuyến tại nhà, có nhiều câu chuyện thực tế được TS Thụy Anh đưa ra: Trẻ trốn học ngủ dưới gầm bàn, chỉ thích tham gia những môn học yêu thích, cãi lại bố mẹ và làm trái lời cô giáo trong tiết học...
Đồng tình với chia sẻ của TS Thụy Anh, ông Lê Quang Tuấn cho hay: "Việc thay đổi môi trường và nề nếp học khiến cho nhà trường, gia đình và đặc biệt là các em học sinh bị xáo trộn nhiều, trẻ thiếu người kèm cặp nên dễ dàng biện đủ lý do để trốn học khi không còn hứng thú nữa".
Trước tình hình đó, nhiều phụ huynh đã tìm đến các cơ sở điều trị tâm lý để bày tỏ vấn đề và tìm hiểu cách đối phó với con. Là một chuyên gia về sức khỏe tinh thần, bác sĩ Minh Tân cho biết: "Việc học ở nhà khiến bé bị thay đổi thói quen học tập, sự thiếu sát sao và thiếu kỹ năng đồng hành cùng trẻ trong các tiết học của cha mẹ cũng khiến cho tâm lý, hành vi trẻ bị thay đổi, từ đó dần phát sinh những dấu hiệu chán học, căng thẳng trong học tập hay đặc biệt là rối loạn lo âu".
Cụ thể, những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề tâm lý bao gồm: thay đổi khí sắc và hành vi bất chợt trong ngày, trẻ nói quá nhiều hoặc lầm lì ít nói, chán ăn và mất ngủ... Tuy nhiên, chính trẻ lại không biết được mình đang gặp vấn đề tâm lý để cầu cứu cha mẹ. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần tinh tế theo dõi và quan tâm con để kịp thời nhận ra vấn đề và tìm phương án giải quyết.
Theo TS Nguyễn Thụy Anh, một phần nguyên nhân của việc trẻ rối loạn lo âu trong kỳ học trực tuyến là do hoàn cảnh: "Chúng ta bị động trước việc chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến, một mô hình rất mới và chưa ai được đào tạo chuẩn chỉ, đặc biệt là trẻ em. Trong khi đó, đây là đối tượng có tâm lý và tinh thần còn non nớt, do đó trẻ bị căng thẳng, lo âu trong kỳ học là hoàn toàn dễ hiểu".
Để có thể giúp con giảm tải căng thẳng, áp lực và thích nghi tốt hơn với việc học trực tuyến, TS Thụy Anh chia sẻ thêm: "Trong chuyên ngành của chúng tôi có 1 khái niệm gọi là "lạc quan sư phạm". Cha mẹ nên giúp con tìm kiếm những điều tích cực trong mọi hoàn cảnh, trò chuyện và thảo luận với con như một người bạn để con dễ dàng chia sẻ hơn, cha mẹ hiểu tâm lý con hơn và để con giải tỏa được tâm lý".
"Bên cạnh việc học chính khóa, cha mẹ nên đầu tư thêm các lớp học ngoại khóa online bổ ích trong giai đoạn này. Như những chương trình về khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay hội họa, thể thao, khiêu vũ. Từ đó giúp trẻ hứng thú hơn với việc học trực tuyến, loại bỏ được những căng thẳng, mệt mỏi trong học kỳ", ông Lê Quang Tuấn nói.