Đưa giá trị gia đình vào giáo dục nhà trường

11:32 | 14/08/2021;
Sự thay đổi của các giá trị gia đình trong cuộc sống hiện đại đang đặt ra cho ngành giáo dục thách thức không nhỏ. Làm sao để giảng dạy nội dung này trong nhà trường một cách sinh động, hiệu quả; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa hai môi trường giáo dục là những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Bài 1: Từ những thay đổi của gia đình hiện đại

Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề giới và gia đình, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, đã dày công nghiên cứu về các bước biến chuyển của gia đình trong đời sống hiện đại.

Trong vòng 2 năm, khảo sát gần 1.800 cá nhân trong độ tuổi từ 16 đến 70 và sử dụng nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã chỉ ra những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam gắn với đời sống hiện đại. Đáng chú ý trong nghiên cứu này là cái nhìn cởi mở về các hiện tượng gia đình mới như làm mẹ đơn thân (gần 50% số người được hỏi chấp nhận), lối sống độc thân (38,5%), chung sống không kết hôn (67,5%)...

Một phát hiện thú vị khác của nghiên cứu là dù đời sống có biến đổi, thì nhiều giá trị gia đình mang tính truyền thống vẫn được bảo lưu. Đó là sự chung thủy, yêu thương nhau, bình đẳng, trách nhiệm, chia sẻ, hòa hợp tình dục, có thu nhập.

Con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân nhưng người Việt Nam hiện nay không mong muốn có nhiều con, nhất là nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại. Các giá trị của con cái đang chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích con trai), an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý-tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).

Khác biệt về giới trong giáo dục con

Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có sự khác biệt về giới trong giáo dục con trong gia đình. Đa số người trả lời cho rằng đây là trách nhiệm chung của hai vợ chồng nhưng một bộ phận vẫn coi việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chính của người vợ.

Trong việc giáo dục đạo đức cho con cái, nhiều cha mẹ chú trọng việc giáo dục các đức tính cho cả con trai và con gái, không phân biệt giới tính của con. Trong đó, đức tính được cha mẹ coi trọng nhất là con cái nghe lời và khéo cư xử.

Tuy nhiên, việc dạy con làm việc nhà có sự phân biệt theo giới một cách rõ nét. Cha mẹ thường dạy con gái dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn, may vá trong khi việc sửa chữa các vật dụng trong gia đình lại dạy cho con trai nhiều hơn. Cách thức giáo dục này của cha mẹ có thể góp phần hình thành quan niệm về sự phân công lao động theo giới sau này.

Những hình thái, giá trị mới trong gia đình đòi hỏi nhà trường cần có phương thức và nội dung giáo dục phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh.

"Hiếu thảo là giá trị bền vững nhưng đang có sự biến đổi về cách thức biểu hiện. Trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già, theo văn hóa truyền thống, con trai cả hoặc con trai út được kỳ vọng sẽ chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Tuy nhiên, sự chăm sóc của con cái dành cho cha mẹ cao tuổi hiện nay đang chuyển từ chăm sóc trực tiếp hàng ngày sang chăm sóc gián tiếp qua hỗ trợ tài chính, quan tâm đời sống tâm lý, tình cảm, chăm sóc sức khỏe...", PGS.TS Trần Thị Minh Thi

Bài sau: Giáo dục giá trị gia đình trong nhà trường còn mờ nhạt

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn