Sau 2 năm thực thi, EVFTA đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng "cao tốc EVFTA" để gia tăng hợp tác nói chung và tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn EU. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa.
EVFTA: (viết tắt của từ tiếng Anh: European-Vietnam Free Trade Agreement) là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam. Hiệp định EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU.
Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.
Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Điều gì khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển xuất khẩu bằng thương hiệu riêng sang thị trường EU và cần những giải pháp như thế nào để gia tăng hơn nữa thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA?
Vấn đề đã được chia sẻ dưới những góc nhìn đa dạng trong chương trình Tọa đàm với chủ đề: "Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA" do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 25/11/2022.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết: Việt Nam cùng với Singapore là hai nước duy nhất trong khối Đông Nam Á ký được hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Đây là một lợi thế mà doanh nghiệp, sản phẩm cũng như thương hiệu của Việt Nam cần phải tận dụng để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc xuất nhập khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) chia sẻ: Tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan như Malaysia, Indonesia… Ví dụ cụ thể như Hapro, đã lọt vào danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn và các mặt hàng gạo, hạt tiêu, hạt điều.
Cũng chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Có thể thấy rằng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như sản phẩm của doanh nghiệp đến các thị trường khác trên thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã ưu tiên tổ chức các hoạt động trọng tâm với thị trường EU, giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU.
Một số những hoạt động hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung làm trong thời gian vừa qua là: Tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU giúp các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường và có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường EU.
Bên cạnh các phiên tư vấn về thị trường, Cục Xúc tiến thương mại cũng ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn.
Đồng thời, Cục cũng phối hợp rất chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU để xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp; thực hiện hàng loạt các cuộc giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, đẩy nhanh được xuất khẩu sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến này. Qua các hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp không chỉ kết nối, tìm kiếm được các nhà nhập khẩu mà còn giúp cho doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngoài các hoạt động giao thương trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên cả nước thực hiện những kế hoạch, những chương trình, chiến lược giúp cho việc tuyên truyền quảng bá về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho địa phương, các doanh nghiệp ở thị trường EU.
Song song với đó, rất nhiều các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp cũng được Cục Xúc tiến thương mại để thực hiện thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội hoặc sử dụng những kênh truyền thông tại thị trường EU để giúp cho không chỉ thương hiệu của doanh nghiệp mà cả thương hiệu quốc gia của Việt Nam được lan tỏa rộng hơn ở thị trường EU rất giàu tiềm năng và triển vọng này.
Thông qua các hoạt động này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp hơn, tạo được lòng tin cao hơn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU. Từ đó tạo đòn bẩy giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu bền ở thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chung tay cùng nhau phát triển thương hiệu cho những nhóm sản phẩm Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn