Kết nối nguồn lực, tăng hiện diện của hàng Việt vào thị trường châu Âu

PV
19/11/2022 - 18:20
Kết nối nguồn lực, tăng hiện diện của hàng Việt vào thị trường châu Âu

Quả dứa của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã có mặt tại nhiều nước EU

Những lợi thế của Hiệp định EVFTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cần có sự kết nối nguồn lực, liên kết doanh nghiệp để tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam và thị phần hàng Việt hơn nữa tại thị trường này.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng tốt

Sau hơn 02 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Đáng chú ý, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Cơ cấu các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hơn khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: Máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: Cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…

Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU. 

Kết nối nguồn lực, tăng hiện diện của hàng Việt vào thị trường châu Âu - Ảnh 1.

Tọa đàm "Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU" với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp

Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương. EVFTA cũng là  ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU.  

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU gia tăng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU còn rất lớn, khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...

Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Tại Chương trình Tọa đàm "Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU" do Tạp chí Công thương, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, thị trường EU khá đa dạng. Chúng ta thấy có Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu và mỗi nước mặc dù ở trong khối cộng đồng chung EU nhưng cũng có những đặc điểm riêng của mình.

Kết nối nguồn lực, tăng hiện diện của hàng Việt vào thị trường châu Âu - Ảnh 2.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

"Đánh giá chung đó là thị trường có sức mua cao, thị trường tiềm năng lớn và đặc biệt khi có một FTA tiềm năng, hiệu quả như EVFTA thì đây là một thị trường rất hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam. Rất mừng là chúng ta có những gương người đi trước mở đường như DOVECO, Lộc Trời, Vĩnh Hiệp, Khương Sinh... sẽ tạo động lực, cảm hứng lan tỏa cho thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn xuất khẩu sang EU. Đồng thời qua đó thúc đẩy được giá trị của người Việt Nam, thương hiệu Việt Nam để làm sao những lợi ích từ FTA thẩm thấu vào từng doanh nghiệp Việt Nam và từng người dân Việt Nam", ông Khanh chia sẻ. 

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để các doanh nghiệp cạnh tranh được không những ở thị trường EU mà còn ở các thị trường khác thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh.

Với kinh nghiệm của ngành rau quả, ông Khuê nhấn mạnh phải cạnh tranh bằng giá cả, mà muốn giá cả cạnh tranh thì phải sản xuất lớn, năng suất lao động tăng lên, giá thành giảm thì sẽ cạnh tranh được. Các nhà máy sản xuất phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng và phát triển tốt các chuỗi liên kết dọc từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái.

Kết nối nguồn lực, tăng hiện diện của hàng Việt vào thị trường châu Âu - Ảnh 3.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam

"Như công ty chúng tôi hiện nay có ba trung tâm chế biến, một ở Ninh Bình, hai ở Gia Lai và ba ở Sơn La, không phải một mình công ty có thể làm hết được, vì vậy cần duy trì tốt chuỗi liên kết. Xuất khẩu sang EU không phải là khó và dư lượng rất lớn nên chúng ta không sợ cạnh tranh, hiện giờ EU cũng rất biết đến Việt Nam, nên nếu chúng ta cùng gắn bó, đoàn kết và hợp tác với nhau để làm sao đảm bảo được lợi ích, từ người lao động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng thì sẽ bền vững", ông Khuê chia sẻ.

Đổi mới cách thức hỗ trợ, kết nối

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, cũng cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ từ chính sách nhưng theo hướng đổi mới, sát với thực tế yêu cầu cần hỗ trợ để phát huy thương hiệu và lợi thế của sản phẩm Việt Nam.

Từ góc độ Bộ Công thương, ông Ngô Chung Khanh thông tin, hiện nay Bộ đang triển khai phối hợp với các tỉnh, thành theo hướng tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thế mạnh của từng tỉnh, thành để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ sát hơn, hiệu quả hơn.

Đồng thời, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc kết nối tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình thực thi các FTA, từ cơ quan trung ương đến địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp tư vấn, các hiệp hội... thành một chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ thúc đẩy tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA, tăng tối đa giá trị thương hiệu của Việt Nam, người Việt Nam.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm