Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, thu hút và giữ chân những nhân tài, doanh nghiệp nên đầu tư vào những chính sách hỗ trợ sức khỏe sinh sản và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bước đầu tiên để hướng tới những thay đổi có ý nghĩa đó chính là sử dụng bảng chỉ số đánh giá doanh nghiệp mới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) để đo lường những tiến bộ trong nỗ lực này.
Tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành UNFPA cho biết, gần 40% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu, nhưng môi trường làm việc phổ biến chưa được xây dựng theo thực tế đó. Những rào cản mang tính hệ thống như chế độ nghỉ phép để chăm con không đủ hay thực trạng quấy rối tình dục sẽ ngăn cản phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp và kéo dài mức chênh lệch lương theo giới tính.
"Điều này cần phải được thay đổi. Doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường hòa nhập cho phụ nữ bằng cách đưa ra những chính sách rõ ràng về quấy rối tình dục, chế độ nghỉ phép linh hoạt và làm việc từ xa. Điều này sẽ cho phép tất cả người lao động, bao gồm cả nam giới, nếu muốn, có thể nghỉ phép theo chế độ thai sản để chăm con và hỗ trợ gia đình cũng như chăm sóc sức khỏe bản thân mà không cảm thấy có lỗi" - Tiến sĩ Natalia Kanem nói.
Mặc dù đã có một số tiến bộ quan trọng trong việc đảm bảo phụ nữ được tham gia một cách công bằng và bình đẳng vào mọi lĩnh vực tại nơi làm việc trong những thập kỷ gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện. Nhu cầu về sức khỏe của gần 200 triệu phụ nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở các nước phần lớn chưa được đáp ứng.
"Một điều đáng lo ngại không kém về mức bình đẳng là trong 3 người ở vị trí quản lý thì có chưa tới 1 người là phụ nữ"- Tiến sĩ Natalia Kanem thông tin.
Do đó, UNFPA đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sức khỏe và phúc lợi của nhân viên. Đây không chỉ là việc nên làm mà còn được coi là một chiến lược kinh doanh tốt. Một phân tích gần đây của UNFPA cho thấy việc trợ giá cho các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe tình dục - sức khỏe sinh sản đã giúp tăng 15% năng suất lao động của nhân viên tại nơi làm việc. Cam kết mạnh mẽ đối với sức khỏe tình dục - sức khỏe sinh sản và các quyền cho nhân viên của doanh nghiệp cũng có thể cải thiện tinh thần, giảm tỉ lệ vắng mặt và nghỉ việc của nhân viên và quan trọng nhất là việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và điều này sẽ làm tăng thêm 12 nghìn tỷ đô la vào GDP toàn cầu.
Nhận thấy việc đo lường tiến bộ là cần thiết để mang đến sự thay đổi ý nghĩa và bền vững, UNFPA đã hợp tác với Accenture để công bố bảng đánh giá mức độ hiệu quả của một công ty trong việc ngăn ngừa và giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc và hỗ trợ các mục tiêu kế hoạch hóa gia đình của nhân viên. Giống như các thước đo khác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, bảng đánh giá này đo lường hiệu suất dựa trên các chỉ số thúc đẩy lợi ích xã hội và hỗ trợ người yếu thế.
Bước đầu tiên để đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc đó là việc đảm bảo mọi người được an toàn và tôn trọng. Dữ liệu gần đây cho thấy cứ mỗi 5 người thì có 1 người bị bạo lực hoặc quấy rối tại nơi làm việc và cứ mỗi 15 người thì có 1 người bị quấy rối hoặc bạo lực tình dục tại nơi làm việc. Nhưng chỉ một nửa trong số các nạn nhân mới đưa những sự việc đó ra ánh sáng. Những con số này củng cố điều mà nhiều phụ nữ đã biết từ lâu.
Việc tạo ra một nơi làm việc an toàn bắt đầu từ văn hóa tổ chức – các doanh nghiệp cần chứng minh họ không dung thứ cho hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trên thực tế, sẽ loại bỏ tận gốc hành vi đó. Điều đó có nghĩa là thực hiện các chính sách giải quyết trực tiếp và tạo ra lộ trình rõ ràng để báo cáo các trường hợp quấy rối, cùng với các khóa đào tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường mang tính bao trùm.
Đối với những chính sách về sức khỏe sinh sản, các doanh nghiệp có thể mở ra nhiều lựa chọn hơn cho phụ nữ, giúp họ phát triển tại nơi làm việc bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho các phương pháp điều trị hiếm muộn, mang thai hộ, nhận con nuôi và bảo quản đông lạnh trứng, tạo không gian riêng tư để các mẹ cho con bú và cung cấp miễn phí hoặc trợ giá các sản phẩm hỗ trợ vệ sinh kinh nguyệt. Ngoài ra, tăng chế độ nghỉ phép có lương để chăm sóc con sẽ thu hút những người lao động trẻ hơn bất kể giới tính nào.
"Những thay đổi đơn giản, chẳng hạn như cung cấp cho nhân viên băng vệ sinh và viên uống bổ sung sắt, đã được chứng minh là làm tăng năng suất làm việc của nhân viên. Hơn nữa, 59% các doanh nghiệp chi trả phí điều trị hiếm muộn cho biết quyết định này đã giúp họ được công nhận là doanh nghiệp thân thiện với gia đình và 62% các doanh nghiệp cho biết việc chi trả này giúp họ duy trì tính cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân người lao động"- Tiến sĩ Natalia Kanem nói thêm.
Ngoài ra, người lao động không phải là đối tượng duy nhất tìm kiếm các tiêu chuẩn tốt hơn tại nơi làm việc. Khách hàng có nhiều khả năng ủng hộ các doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh và có tính bền vững.
Trong một cuộc khảo sát gần đây về người tiêu dùng thế hệ Z (Gen-Z), một nửa trong số những đối tượng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng mua hàng từ các doanh nghiệp có cam kết rõ ràng về sự đa dạng và tính bao trùm. Một nghiên cứu khác cho biết chiến lược tiếp thị tiến bộ liên quan đến giới có thể giúp các thương hiệu tăng trưởng 8%.
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, thu hút và giữ chân những nhân tài bất kể giới tính nào, các doanh nghiệp nên đầu tư vào những chính sách hỗ trợ sức khỏe sinh sản, chống quấy rối tình dục và phân biệt đối xử. Điều này sẽ tạo ra một lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và có năng suất hơn, đồng thời tạo ra một tương lai thịnh vượng và cho tất cả mọi người - nơi nhân viên phát triển và doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn