pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam có nhiều nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân số
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân số. Tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên và đây được coi là một dấu hiệu tích cực của phát triển.
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động về Dân số & Phát triển và Lễ Míttinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7, do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam
Bà Pauline Tamesis cho hay Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ giảm dần. Trong 20 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã giảm 75% tử vong mẹ, vượt qua mức giảm 34% của thế giới. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã tăng hơn 60%.
Kết quả từ báo cáo Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA thực hiện gần đây cho thấy Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào, và điều này sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2039. Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với các nước khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036, và “siêu già” vào năm 2049. Sự chuyển đổi nhân khẩu học từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ gây ra những tác động đa chiều ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay qua 30 năm thực hiện thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống 1,14% giai đoạn 2009-2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0-2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua.
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56% năm 1989 lên 67% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 tạo cơ hội để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm.
Chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Từ năm 1993 đến nay, tỷ số tử vong mẹ đã giảm từ 110 xuống còn 46 trên 100.000 ca sinh sống năm 2019. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Việt Nam cũng đạt được những thành tựu trong việc bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từng bước được phát triển.
Mong các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành
Bà Pauline Fatima Tamesis cũng đánh giá, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại sự chênh lệch ở một số khu vực. Tỷ suất tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa vẫn cao gấp 3-4 lần mức trung bình cả nước. Tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình không được đáp ứng nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại là 40% - cao gấp 4 lần so với nhóm những thanh niên đã lập gia đình.
Vì vậy, cần phải có những chính sách bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những thay đổi về nhân khẩu học và già hóa dân số. Các giải pháp có thể bao gồm việc gia tăng việc tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là đối với người cao tuổi, Hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động, cũng như đầu tư vào y tế và giáo dục.
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, cũng như Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW. Mục tiêu chiến lược được đặt ra là: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số hơn nữa, đầu tư kinh phí và bố trí cán bộ đủ năng lực để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của về công tác dân số của ngành, địa phương đã đề ra; thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành có hiệu quả giữa các thành viên Ban chỉ đạo.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số - đề xuất với các tổ chức của Liên Hợp quốc, đối tác phát triển và các phái đoàn ngoại giao quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động qua lại của các yếu tố dân số với phát triển kinh tế-xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền trong định hướng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là các chính sách, kế hoạch liên quan đến già hóa dân số, mức sinh xuống thấp...
Cục Dân số cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025, đặc biệt là việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp.