pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7): Thách thức từ mức sinh giảm ở TPHCM
Một cặp đôi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tại bệnh viện. Ảnh minh họa
"Ngàn lẻ một" lý do ngại sinh con
Từ Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp, chị Nguyệt lập gia đình rồi sinh con đầu lòng vào năm 2012. Do hai bên nội - ngoại đều ở xa nên khi mới sinh con, chị gần như kiệt sức bởi ban ngày đi làm, ban đêm thức chăm con. Lúc mới sinh, con lại hay ốm vặt nên hai vợ chồng phải thường xuyên xin nghỉ làm để đưa con đi bệnh viện khám, chăm sóc. "Nhiều năm sau khi sinh con, tôi hầu như không có thời gian để toàn tâm toàn ý cho công việc nên ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội thăng tiến ở công ty. Hiện nay, khi con đã lớn nhưng mỗi ngày, việc dành thời gian để đưa đón con đi cũng hết sức vất vả. Giờ mà tôi sinh thêm một con nữa thì không biết xoay xở ra sao", chị Nguyệt phân trần.
Trong khi đó, áp lực về kinh tế lại trở thành lực cản đối với việc sinh đủ 2 con của chị Trần Mỹ Vân (ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Chị Vân chia sẻ, cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân, với tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Các chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ. Dù cố gắng vun vén, chi tiêu dè sẻn nhưng nhiều lúc gia đình chị vẫn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Do vậy, cả hai vợ chồng đều không muốn sinh thêm con, dù con đầu lòng đã 7 tuổi. "Mỗi tháng trả tiền thuê nhà trọ rồi tiền học của con đã chiếm phần lớn tổng thu nhập. Giờ mà sinh thêm con thì thật sự quá sức đối với kinh tế của vợ chồng tôi. Chi phí đầu tư nuôi dạy một đứa trẻ bây giờ rất lớn. Mình sinh con ra mà không chăm lo cho con tử tế thì làm sao được", chị Vân tâm sự.
TPHCM hiện là 1 trong số 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) ở TPHCM năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ. Con số này năm 2022 là 1,39/phụ nữ và năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ. Trong khi mức sinh thay thế - tỷ lệ trung bình để duy trì ổn định quy mô dân số - là khoảng 2,1 con/phụ nữ.
ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ chọn sinh ít con. Đầu tiên là áp lực kinh tế, mức sống đắt đỏ trong khi chi phí đầu tư nuôi dạy con cao khiến nhiều cặp vợ chồng chọn chỉ sinh 1 con để tập trung nguồn lực về tài chính, thời gian và sức khỏe chăm sóc con tốt nhất. Bên cạnh đó, cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người. Về mặt sức khỏe sinh sản, tình trạng khó mang thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát có xu hướng tăng. Ngoài ra, giới trẻ có xu hướng kết hôn ngày càng muộn nhưng theo tự nhiên, khả năng sinh sản của phụ nữ lại giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi.
Các giải pháp để đảo ngược mức sinh
Theo ông Phạm Chánh Trung, mức sinh giảm đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM. Thách thức lớn nhất chính là tỷ lệ người cao tuổi tăng trong khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm, làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế. Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh còn tạo áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.
Về giải pháp để cải thiện mức sinh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM cho hay, Thành phố đang giải quyết theo hướng thực hiện các chính sách dân số theo định hướng khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân. "Để thực hiện khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con mà quan trọng vẫn là những chế độ hỗ trợ các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con trong điều kiện phát triển tốt nhất. Vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số là nâng cao chất lượng dân số", ThS. Phạm Chánh Trung nhấn mạnh.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đã có những đề xuất tham mưu với Sở Y tế Thành phố trong Dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030 để trình Hội đồng Nhân dân Thành phố trong kỳ họp gần nhất của năm 2024. Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai trước 35 tuổi, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn…
Theo Sở Y tế TPHCM, mức sinh thấp kéo dài gây nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... trong bối cảnh kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của Thành phố. Trong khi đó, nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.
Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp, ngành y tế TPHCM kêu gọi người dân đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp "Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con". Từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2024, ngành y tế phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp. Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với Hội LHPN Thành phố, Bệnh viện Hùng Vương tổ chức tập huấn kiến thức tiền hôn nhân kết hợp tư vấn, khám sức khỏe miễn phí trước khi kết hôn cho 160 cặp nam, nữ.
Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay có chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững".