Gặp phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ "pháo đài bay" B52

09:32 | 17/12/2022;
Nhiều năm sau chiến tranh, người Mỹ mới thừa nhận ông Vũ Đình Rạng là phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận và bắn hạ được B52 của Mỹ.

Ngày 15/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề "Báo chí xung trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022).

Buổi tọa đàm và trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử là các cựu phi công, chiến sĩ phòng không bắn rơi B52, của một số nhà báo trực tiếp tham gia sự kiện 12 ngày đêm, một số chuyên gia lịch sử… nhằm nêu bật chiến thắng vẻ vang, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam để làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Gặp phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ "pháo đài bay" B52 - Ảnh 1.

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Đinh Thế Văn - người hạ nhiều máy bay B52 ở chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Nhớ lại 12 ngày đêm không ngủ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Đinh Thế Văn - người hạ nhiều máy bay B52 ở chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” kể: Mỹ được trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại gấp nhiều lần so với lực lượng phòng không, không quân Việt Nam nhưng lại không thể giành chiến thắng. Quân ta đã nghiên cứu kỹ cách đánh, có nhiều năm chuẩn bị chống lại B52, cùng với lòng quả cảm, tinh thần “quyết tử để tổ quốc quyết sinh” nên đã giành chiến thắng.

Còn phi công Vũ Đình Rạng - người đầu tiên trên thế giới bắn hạ máy bay B52 của Mỹ nhớ lại, phải đương đầu với một lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới, cực kỳ gian khổ và khó khăn. Thời điểm đó máy bay B52 được đánh giá là vũ khí tối tân nhất. Mỹ từng tuyên bố B52 là "bất khả xâm phạm".

"Tối 20/11/1971, chúng tôi được bố trí 2 chiếc máy bay Mig-21, một chiếc trực tại sân bay Vinh (Nghệ An), còn tôi trực ở sân bay Anh Sơn (Nghệ An). Khoảng 20h, có lệnh của sở chỉ huy ra lệnh cho chiếc máy bay ở Vinh cất cánh. Tuy nhiên vừa cất cánh thì bị địch phát hiện nên buộc phải hạ cánh gấp. Khi đó địch nghĩ quân ta chỉ có 1 chiếc Mig-21 hoạt động nên đã vô tư vào các trọng điểm của ta đánh.

Gặp phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ "pháo đài bay" B52 - Ảnh 2.

Ông Vũ Đình Rạng

Lúc đó, tôi nhận được lệnh cất cánh, khi tôi bay vào đến Hà Tĩnh, thì phát hiện cách mục tiêu B52 khoảng 80km. Chỉ huy đã ra lệnh cho tôi, tăng độ cao lên khoảng 10km thì phát hiện địch ở phía trước chỉ còn 15km, khi đó nhìn hình ảnh qua radar chiếc B52 rất to và nét. Nhưng tôi phát hiện ra mình đang ở thấp hơn B52 nên đã tiếp tục tăng độ cao, và đến khi còn cách 2km, đường ngắm ổn định, tôi đã phóng 1 quả tên lửa trúng vào cánh máy bay bên trái, khiến chiếc B52 này bị hỏng động cơ, buộc chiếc B52 này phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thái Lan.

Mãi đến sau này, một vị tướng 3 sao của Mỹ đã phải thừa nhận rằng, đây là chiếc Mig-21 đầu tiên trên thế giới có thể tiếp cận và bắn hạ được B52", ông Rạng kể lại.

Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng âm thanh của tiếng máy bay, tiếng bom dội… cùng những ký ức của những ngày làm báo đặc biệt dưới hầm sâu vẫn còn trong tâm trí của nhà báo Phạm Thanh - cựu phóng viên Báo Nhân Dân.

“Suốt 12 ngày đêm không quân Mỹ quần thảo trên bầu trời Hà Nội, tôi và các đồng nghiệp làm việc không có ngày nghỉ, không có ngủ đêm. Buồn ngủ lúc nào thì gục xuống một lúc rồi tiếp tục lao vào vòng xoáy công việc. Chúng tôi từng phải quấn giẻ, tẩm xăng vào làm đuốc để tiếp tục thực hiện maket, đưa bản thảo đi nhà in”, nhà báo Phạm Thanh chia sẻ tại tọa đàm.

Tuy vất vả, nhưng niềm hạnh phúc của những người làm báo khi ấy là hình ảnh của người dân từ 5 giờ sáng đã xếp hàng để mua báo như lấy tem phiếu, để cập nhật thông tin về cuộc chiến đấu hào hùng này.

Gặp phi công đầu tiên trên thế giới bắn hạ "pháo đài bay" B52 - Ảnh 3.

Các nhà báo Việt Nam tác nghiệp sau khi Mỹ ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên, Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Nhà báo Phạm Việt Tùng - Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam người đứng sau những thước phim “vô giá” về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng chia sẻ những ngày làm báo “không quên” trong suốt cuộc đời.

“Hồi ấy, khi máy bay địch cách Hà Nội khoảng 100km, nhiều phóng viên nước ngoài chui xuống hầm thì chúng tôi lại bắt đầu leo lên những điểm cao nhất trong thành phố như chòi, bể nước, mái nhà… Không phải chúng tôi không sợ chết. Lúc đó, tôi cũng run lắm, tôi có gia đình, ngộ nhỡ gặp vấn đề gì thì vợ con ai lo? Nhưng giữa nhiệm vụ trách nhiệm, chúng tôi đều phải quyết tâm. Nếu không lên điểm cao, không quay được B52 thì làm sao làm phim được", ông Tùng chia sẻ.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của nhà báo Phạm Việt Tùng trong 12 ngày đêm là ghi lại được cảnh pháo đài bay B52 như một quả cầu lửa khổng lồ ngùn ngụt trên bầu trời Hà Nội.

"Khi đó, tôi và đồng nghiệp đợi sẵn trên nóc khách sạn Hòa Bình, hướng máy quay về tiếng cao xạ và tên lửa của ta đang chiến đấu với máy bay Mỹ. Bất chợt, người đồng nghiệp hét lớn và chỉ về một hướng khác. Theo phản xạ, tôi chỉnh máy quay ngay tức khắc và kết quả, hình ảnh của pháo đài bay B52 như một quả cầu lửa đã lọt trọn vào khuôn ngắm", ông Tùng nhớ lại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn