pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Báo chí xung trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bài ca chiến thắng về nghề báo
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 24/3/1966. Ảnh tư liệu.
Dự đoán thiên tài của Bác Hồ trong cuộc đối đầu với B52 trên bầu trời Hà Nội
Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo một số ban, đơn vị, các cấp hội nhà báo, cùng các nhà báo lão thành, nhân chứng, lãnh đạo một số bảo tàng, đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam...
Mở đầu phần phát biểu, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã trích dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Bội đội phòng không - không quân năm 1967.
"Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội", ông Lợi nói và cho biết, đây là dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quân đội ta đã có thời gian 5 năm để tích cực bố phòng, chuẩn bị các phương án tác chiến tiêu diệt hiệu quả B52 của Mỹ. Không quân Mỹ bắt đầu cuộc tập kích vào ngày 18/12/1972, thì ngay chiều hôm sau, tại câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong (nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế), Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đã có cuộc họp báo tố cáo tội ác của Mỹ dùng B52 đánh vào thủ đô Hà Nội với sự trình diện của nhiều phi công Mỹ vừa bị ta bắt làm tù binh đêm 18/12. Những hình ảnh từ cuộc họp báo này được phát đi gây chấn động toàn thế giới.
Giữa lúc các tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, làm rực sáng bầu trời đêm Hà Nội và một số địa phương khác, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ thì những mũi tiến công của báo chí như Báo Nhân Dân – nơi có căn hầm vẫn xuất bản báo hàng ngày suốt 12 ngày đêm khói lửa rồi lực lượng báo chí từ Quân đội nhân dân, Phòng không - Không quân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... đã thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng.
Báo chí góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam
Ông Lợi khẳng định, báo chí đã góp phần to lớn trong công tác thông tin đối ngoại, tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đồng thời là cơ sở đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975.
Báo chí, với hệ thống hùng hậu, hoạt động thống nhất dưới sự chỉ đạo của Đảng đã đạt hiệu quả cao, trực tiếp góp phần xây đắp niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Đến nay, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tuy đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, của công chúng trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc tổ chức cuộc Tọa đàm và Trưng bày kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" nhiều ý nghĩa này.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng, qua các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày chúng ta có cơ hội tiếp cận rõ hơn, thấy được chính xác hơn những giá trị lớn của câu chuyện kỳ tích lịch sử này, từ đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo đến những đóng góp của các nhà báo, sự xông pha quyết liệt của những cơ quan báo chí, của các nhà báo lớp trước với vũ khí thông tin sắc bén trong tay đã khiến 12 ngày đêm khói lửa 50 năm trước thực sự trở thành một bài ca chiến thắng về nghề báo, một cống hiến lớn cho sự nghiệp báo chí nước nhà...