Đầu tiên, phải thừa nhận cả hai con tôi không có hứng thú gì với môn ngoại ngữ, cái gọi là "năng khiếu" cũng không có. Cháu lớn khá hơn em của mình một chút về khả năng ghi nhận âm và phát âm lại khá chính xác. Nhưng chỉ có như thế thôi. Cách tiếp cận của gia đình là đi từ những cái dễ gây hứng thú nhất cho con. Bắt đầu bằng xem phim: Chọn những phim của Mỹ có chất lượng cao về nội dung, đặc biệt phim của hãng Walt Disney rất cẩn thận ngay cả từ góc độ giáo dục nhân cách. Từ nhỏ, các con tôi được xem nhiều, nên khả năng nghe khá dần và dần đạt được bước có thể nhắc lại nguyên cả câu thoại trong khi vẫn không hiểu nghĩa tiếng Anh.
Sau này, các con đọc thạo tiếng Việt thì các con đọc phụ đề tiếng Việt để hiểu nội dung, nhưng đây không phải là vấn đề quá quan trọng. Với nguồn phim, tôi thường đi copy từ các dịch vụ phim HD ở ngoài, thường họ chuẩn bị sẵn phụ đề, còn không thì lấy phụ đề dịch sẵn trên các trang web chia sẻ như subscene… Thời nay, nhà ai cũng có ti vi màn hình kha khá đến lớn, nên việc cho con xem phim từ máy tính hoàn toàn không khó khăn gì. Điều đáng nói, là rất nhiều gia đình để cho con tự do xem phim trôi nổi trên Youtube, đây là việc rất không nên vì không kiểm soát được nội dung và cũng chẳng có ý nghĩa gì với học tập.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân đầu tiên của việc làm mất hứng thú của trẻ, là cho con học nặng quá sớm, mong con thu nạp được nhiều ngay và luôn các kiến thức, trong đó có ngoại ngữ. Thực tế, học cái gì cũng vậy, nhất là với trẻ em, cách học luôn là vừa học, vừa chơi. Do đó, việc cho con xem phim nước ngoài nhiều thực sự rất có ích và hiệu quả đối với câu chuyện tạo hứng thú học ngoại ngữ. Càng về sau khi càng nghe thạo, thì chúng sẽ muốn hiểu được một cách trực tiếp luôn với bộ phim, lúc đó sẽ nảy sinh nhu cầu muốn học.
Vì thế việc cho con đi học ngoại ngữ sớm rất tốt và có ích, nhưng điều cần hơn là nên biết cách tiếp cận vấn đề đúng. Chẳng hạn, cách tiếp cận của Việt Nam trong rất nhiều trường hợp bắt học quá nặng ngay về ngữ pháp và từ vựng, thì chưa có việc gì làm "mất hứng" bằng cách học đó. Nhưng thực tế thì nhiều gia đình cho con học các trường công lập ở bậc tiểu học lại nhận thấy, dạy tiếng Anh ở trường là… không đủ, và cho con đi học thêm ở ngoài. Điều này vừa đúng, vừa không đúng. "Đúng" - vì tôi không phản đối những lời ra tiếng vào về chất lượng dạy ngoại ngữ ở trường công lập. "Sai" vì thay vì tạo ra cho con môi trường "học mà chơi" thì bố mẹ có khi lại bắt con đi… nhồi.
Đến đây thì tôi đã đặt vấn đề là nên tạo môi trường. Bước đầu là "học mà chơi" nhưng bước sau nên được nâng lên tạo môi trường ngoại ngữ. Thực tế, không có thầy cô trung tâm nào tốt bằng việc con được sống trong một môi trường lúc nào cũng có ngoại ngữ. Từ những hứng thú đầu tiên được tạo bằng các buổi xem phim, tôi nâng lên việc cùng con tìm hiểu đủ các thứ trên mạng thông qua… Google và Youtube. Xin đừng nghĩ rằng tôi giỏi đến cỡ nào đó còn các bố mẹ thì không có khả năng.
Thật ra, bây giờ trên mạng có những công cụ rất tốt, ví dụ như dịch tự động - định tìm cái gì tôi gõ bằng tiếng Việt và nó dịch sang tiếng Anh, lấy đó làm từ khóa để tìm kiếm. Tôi cũng "mạnh dạn đầu tư" chảo vệ tinh để xem thời sự bằng tiếng Anh luôn, mặc dù không hiểu mấy...
Song song với những hoạt động này, các con tôi vẫn duy trì học ngoại ngữ ở mức độ nhà trường, chứ không đi học thêm ở ngoài (nói chính xác là có thử nhưng không hiệu quả). Cùng với những bài học về địa lý, lịch sử ở lớp, tôi thường khuyến khích con tìm hiểu thêm về chính vấn đề đó trên mạng - có rất nhiều đoạn phim ngắn về bài con đã học. Đặc biệt là môn vật lý hay hóa học, trong khi cách dạy của Việt Nam vẫn dựa nhiều trên sách giáo khoa và học chay, việc trẻ dùng tiếng Anh để tìm các đoạn phim tài liệu minh họa và ví dụ cho bài học, rất bổ ích.
Các chuyên gia thì đưa ý kiến là học ngoại ngữ phải đầy đủ 4 kỹ năng, bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Nghe theo lời khuyên này tôi cũng đã từng thử cùng con nhưng về sau mới nhận ra, ví dụ như với kỹ năng nói nó chịu ảnh hưởng của độ e ngại, và để khắc phục là một câu chuyện dài. Trên thực tế, ngay cả với những người lớn chúng ta, không phải lúc nào cũng cần phải học nói, cả năm cả tháng không gặp ông Tây nào thì học làm gì… Trong khi đó, nếu con chúng ta được học tiếng trong môi trường tiếng, thì chúng có thể nói được rất nhanh nếu như đã nghe tốt và học được một vốn từ và ngữ pháp kha khá.
Hơn thế nữa, thầy cô người Việt Nam thì khó có thể có âm, giọng… tốt như thầy cô bản xứ, mà kỹ năng nghe là một kỹ năng cần phải được rèn luyện lâu dài với thời lượng càng nhiều càng tốt, nghe giọng càng chuẩn càng tốt. Tôi khuyến khích con nghe mọi nơi mọi lúc, thậm chí việc con nghe nhạc tiếng Anh trong khi học bài khác cũng không ngăn cản.
Con càng lớn, cùng với trình độ ngoại ngữ của con nâng lên thì khi đã có "vốn" kha khá, các con giảm dần e ngại… cũng là lúc mở rộng môi trường cho con đi học ở các trung tâm, tham gia các chương trình ngoại khóa… để có tiếp xúc dần với các thày cô và chuyên gia nước ngoài…
Vừa rồi, gia đình tôi có một quyết định rất… đáng kể, là cho con gái 13 tuổi chuyển từ lớp chuyên tiếng Anh "rất xịn" sang một lớp có mức độ thấp hơn. Không phải vì con không theo được lớp. Lý do đơn giản là con không phải người học tiếng Anh "dễ như chơi" mà cũng có những vất vả nhất định. Trong khi đó, sẽ có những bạn cảm thấy được học ngoại ngữ như cá thả vào với nước, như thế sẽ rất tốt nếu được định hướng theo học ngoại ngữ như một nghề chuyên nghiệp. Ngoại ngữ với con vẫn cần, nhưng là một phương tiện để tiếp tục học tập và sau này làm việc.
Với con trai lớn của tôi cũng vậy, con tuy có khá hơn em gái một chút, nhưng cũng không phải có thể theo chuyên ngoại ngữ như nghề nghiệp. Do đó, con duy trì học đều ngoại ngữ ở mức khá, và dùng nó như một phương tiện để học tập và sau này làm việc. Vì thế, mục tiêu của con chỉ cần đạt IELTS 7.5. Nhưng hiện nay, đã mê làm một nghề nào đó thì đã nghiên cứu rất sâu từ vựng chuyên môn của lĩnh vực này rồi. Năm nay, con bước vào năm cuối cấp, sang năm sẽ bước ra cuộc đời hoặc học nghề, hoặc học tiếp cao lên… Dù thế nào thì lúc này đã phải chuẩn bị tốt hành trang ngoại ngữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn