pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nở rộ luyện thi đánh giá năng lực và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Ảnh minh họa
Mức học phí "khủng"
Để có chứng chỉ tiếng Anh với mức điểm IELTS đạt 7.0-7.5, học sinh lớp 12 đã phải lao vào học và thi từ cách đây 1-2 năm. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn nhiều học sinh "chạy nước rút" để tham gia thi các đợt thi trước thời điểm tuyển sinh. 50-60-100 triệu đồng là những gói luyện thi có mức phí "khủng" ở nhiều trung tâm tiếng Anh hiện nay đưa ra với "cam kết đầu ra" cho học viên. Nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy.
"Tôi đóng 60 triệu đồng, với tổng số giờ học chuẩn được nêu rõ, hình thức học là 1-1. Ngoài hình thức học 1-1, học viên có thể đăng ký học các lớp cố định rèn 4 kỹ năng. Tôi nghĩ đáng đồng tiền bát gạo nên bỏ tiền mua", chị Thu Hằng, một phụ huynh mua gói học cho con từ một trung tâm ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết. Nhưng theo chị Hằng, cách học 1-1 như trung tâm thông tin có nghĩa học viên đến nhận bài tập, tự làm, sau đó được giáo viên chữa. Một giáo viên phụ trách nhiều học viên như thế trong một buổi, chứ không phải họ toàn tâm toàn ý dạy cho 1 học sinh theo hình thức 1-1. Mặc dù vậy nhưng chị Hằng và nhiều phụ huynh vẫn không tiếc tiền đầu tư cho con lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Nóng các "lò luyện"
Hiện nhiều cơ sở luyện thi cả online lẫn trực tiếp đang quảng cáo mạnh việc "luyện thi đánh giá năng lực". Trên một trang luyện thi có tên "Đánh giá năng lực" công bố nhiều khóa học, combo ôn tập theo hình thức online. Các khóa cơ bản (ôn Toán, Lý Hóa, Sinh, Sử, Địa, Anh) có mức giá "khuyến mãi" 199.000 đồng, thay vì gần 300.000 đồng trước đó. Khóa chuyên đề ngôn ngữ tiếng Việt-Tư duy có mức giá 399.000 đồng thay vì gần 500.000 đồng trước đó… Một số trang khác còn thông báo rõ luyện thi đánh giá năng lực theo kỳ thi của cơ sở nào tổ chức. Thậm chí giới thiệu có người của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM… tham gia luyện thi và viết tài liệu luyện thi.
Theo các nhà chuyên môn, nếu cứ lao vào các "lò luyện" không có chọn lọc thì sẽ quá tải trong khi vẫn không nâng được năng lực để đáp ứng tốt các yêu cầu của dạng bài thi này. Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐGQG Hà Nội) thì cơ sở này không tổ chức luyện thi. ĐHQG Hà Nội chỉ công bố 5 đề thi tham khảo để thí sinh nắm được cấu trúc các bài thi. Ông Thảo cũng cho biết thí sinh được thi thử trực tuyến nên ở các đợt thi đã tổ chức, cơ bản thí sinh không gặp khó khăn với hình thức thi mới mẻ này.
"Một số thí sinh bối rối với các câu hỏi điền đáp án vì loại câu hỏi này ít được luyện tập trước đó. Tuy nhiên, các em cần lưu ý câu hỏi tích hợp liên môn là một yêu cầu bắt buộc của bài thi. Tỷ lệ câu hỏi này sẽ tăng lên trong các năm tới, song song với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở các nhà trường. Nhìn chung các câu hỏi của bài thi ít, thời gian ngắn nhưng sẽ là những câu hỏi đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo", ông Thảo cho biết.
Ôn thi đại học thế nào cho hiệu quả
Để đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh "quá tải ôn thi" như hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần bám sát Hướng dẫn điều chỉnh thực hiện nội dung chương trình phổ thông được Bộ GD&ĐT ban hành tháng 9/2021. Trong đó, chủ yếu tập trung ôn tập nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12.
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Vì thế theo ông Thành thì sách giáo khoa vẫn là tài liệu tham khảo chính của học sinh, kết hợp với bài giảng của giáo viên. Ngoài ra, học sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp THPT chính thức của các năm.
Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Vì thế, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, trong giai đoạn ôn tập học sinh cần làm quen với các câu hỏi ở mức độ cao hơn. Cách ôn luyện theo yêu cầu của các nhóm câu hỏi có độ khó khác nhau cũng giúp học sinh rèn kỹ năng làm bài thi, biết cách tổng hợp, vận dụng kiến thức.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT): Điểm giống nhau là các kỳ thi đều chủ yếu dựa trên kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình giáo dục THPT. Nhưng mỗi kỳ thi sẽ có quy định khác nhau về cấu trúc đề thi, cách thức thi. Các em học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và tự luyện tập theo cấu trúc đề thi mẫu tương ứng với các kỳ thi thì có thể đáp ứng yêu cầu.
Các bài thi đánh giá năng lực bao gồm nội dung của nhiều môn học/lĩnh vực khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có các bài thi tổ hợp, gồm nhiều môn thành phần thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nhưng ở các bài thi đánh giá năng lực, có thể tỷ lệ các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao sẽ nhiều hơn. Trong đó có thể có các câu hỏi mang tính tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống… Đây cũng là xu thế đã được đưa vào nhà trường phổ thông từ nhiều năm nay và thể hiện rõ hơn ở chương trình giáo dục phổ thông đang được triển khai.