Bối rối vì nhiều phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Bài, ảnh: Hà Lê
12/04/2022 - 10:06
Bối rối vì nhiều phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Giám khảo chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Hơn 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022 được nhiều cơ sở đào tạo công bố, chưa kể những phương thức kết hợp từ nhiều phương thức độc lập khiến phụ huynh, học sinh bối rối.

Phụ huynh lo lắng

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết, trong cuộc họp với phụ huynh lớp 12, nhiều phụ huynh đã khá lo lắng khi có quá nhiều phương thức xét tuyển. "Tùy theo khả năng của con như thế nào, nên chọn một hướng ưu tiên để có kế hoạch", cô Nhiếp cho biết và với lời khuyên này, nhiều phụ huynh đã chọn ưu tiên "lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế".

Cuộc chạy đua để có chứng chỉ IELTS 7.0- 7.5 diễn ra căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi nhiều trường công bố phương thức xét tuyển kết hợp, phụ huynh và học sinh lại nhận ra, chứng chỉ tiếng Anh chỉ là một lợi thế, không phải tất cả.

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường dành 85% chỉ tiêu cho 7 nhóm xét tuyển. Trong đó sử dụng cả kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực do 3 cơ sở đào tạo tổ chức kết hợp xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Phương thức truyền thống sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT được dành rất ít chỉ tiêu (15%) nhưng đều áp dụng theo hình thức kết hợp với các điều kiện khác. Ví dụ kết quả thi tốt nghiệp và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…

Tuyển sinh bằng kết quả thi đánh giá năng lực năm nay là xu thế được nhiều trường lựa chọn như một phương thức chính. Nhiều trường áp dụng các phương thức kết hợp, trong đó cũng đặt kết quả thi đánh giá năng lực làm điều kiện chính.

Hiện có 3 cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho phép các cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Đó là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy.

Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 7 đợt thi trong năm 2022 để thí sinh có thể tham gia nhiều đợt. Mỗi đợt có khoảng 20.000-50.000 thí sinh dự thi. Thi trên máy tính và do máy chấm điểm. Có trên 50 cơ sở đào tạo đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi này.

Với kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những trường tham gia sử dụng kết quả thi để tuyển sinh chủ yếu là các trường thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, một số trường có sức cạnh tranh cao ở khối kinh tế. Năm 2022, Bộ Công an cũng tổ chức một kỳ thi đánh giá riêng để tuyển sinh cho các trường công an. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh cho trường mình.

Thêm cơ hội cho thí sinh

Bức tranh tuyển sinh năm nay đa dạng hơn sau nhiều năm Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gom các kỳ thi quốc gia vào một để thống nhất cách tuyển sinh chủ yếu dựa trên kết quả của kỳ thi này. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT hiện nay vẫn khuyến khích các trường giữ phương thức truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Nhiều trường đại học lớn ủng hộ việc này, nhưng cho rằng Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh đề thi có tính phân hóa cao hơn, kết quả thi đáng tin cậy hơn. Trường ĐH Y Hà Nội là cơ sở luôn có mức điểm chuẩn cao, thậm chí ngành Bác sĩ đa khoa của trường này từng có mức điểm chuẩn gần chạm trần. Nhưng ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường này cho biết, trường vẫn muốn lựa chọn phương thức truyền thống là hướng chính để tuyển sinh.

Chia sẻ với học sinh về nỗi lo "loạn phương thức", TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho biết: Năm trước, các cơ sở đào tạo đã áp dụng ba phương thức xét tuyển: Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ) và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Năm 2022, chỉ thêm phương thức mới là xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhiều trường công bố các phương thức kết hợp, nhưng về cơ bản cũng chỉ dựa trên 4 phương thức trên.

"Chỉ cần nắm thông tin về 4 phương thức chính để có hướng chuẩn bị cho đỡ rối. Và hãy xem hàng chục phương thức kết hợp của các trường là "tăng thêm cơ hội" như ta mix món đồ này với món đồ kia để ra một món mới, nhưng cơ bản nguyên liệu vẫn như vậy", ông Tùng phân tích.

Lưu ý điều kiện sơ tuyển, tiêu chí phụ

Ngoài một số trường thuộc tốp dưới, trường ngoài công lập có phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ thuần túy, nhiều trường đại học năm nay sử dụng kết quả học tập THPT như tiêu chí phụ, điều kiện ban đầu để sàng lọc.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có các tiêu chí như điểm trung bình môn Toán, hoặc điểm trung bình 6 học kỳ bậc THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7,0 trở lên… Theo ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh trường này thì năm 2021, có hàng chục thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng vẫn trượt vì không đạt tiêu chí phụ. Lẽ ra thí sinh cần nắm được yêu cầu để ngay từ đầu có lựa chọn khác khi biết mình không đạt điều kiện tối thiểu.

Tương tự ở trường ĐH Ngoại thương, theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường này thì có nhiều ngành được tuyển sinh bằng xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nhưng mức điểm trường công bố để nhận hồ sơ không phải mức xác định đỗ. Vì căn cứ vào hồ sơ, trường sẽ xét từ cao xuống cho tới hết chỉ tiêu. Những thí sinh đạt mức điểm như trường công bố và đinh ninh mình đã đậu, không lựa chọn phương án khác có thể sẽ "mất trắng".

Ông Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh Quân đội, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, nhiều thí sinh quên tham gia sơ tuyển tại địa phương theo yêu cầu của khối trường Quân đội nên mặc dù đủ điểm đỗ vẫn không được tuyển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm