Vợ chồng cô Thơm vào Sài Gòn lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Bằng sự chịu thương chịu khó, cô đã gầy dựng và phát triển ngôi trường mầm non trở thành ngôi trường tư thục có tiếng trong vùng và tấm lòng cô chủ trường đẹp như chính tên của cô.
Ngôi trường Mầm non Hoa Hồng được vợ chồng cô Thơm tạo dựng từ 22 năm trước. Từ 4 lớp với vài chục học sinh ban đầu, đến nay ngôi trường đã được xây dựng khang trang. Có thời điểm lên đến 300 – 350 học sinh với 25 giáo viên, nhân viên làm việc. Hằng năm, cô đã hỗ trợ học phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 100 triệu đồng.
"Lúc trước khu vực gần nhà chỉ có 1 trường mầm non, mà ở cách xa. Một người bạn bên phường khuyên tôi có mảnh đất đẹp nên xây trường. Vậy là tôi xây dựng nên trường mần non tư thục đầu tiên của quận 12. Mới đầu tôi mở 4 lớp, sau đó mở 8 lớp cũng không đủ. Bây giờ đã xây trường mới, khang trang hơn. Trường thành lập đã 22 năm nên phụ huynh cũng yên tâm. Có nhiều cháu học ở đây, mà bây giờ đã quay trở lại gửi con rồi đấy", cô Thơm dí dỏm kể lại.
Trường chất lượng cao nhưng học phí vừa phải. Vì học sinh của trường chủ yếu là con em công nhân. Với mức học phí ưu đãi, cô Thơm đã giúp nhiều phụ huynh giảm bớt áp lực tiền nong, có chỗ gửi con yên tâm đi làm.
Từ tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trường tạm đóng cửa, cô Thơm quyết định hỗ trợ cho mỗi giáo viên mỗi tháng 20kg gạo và 1 triệu đồng kéo dài suốt mấy tháng giãn cách.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay diễn ra trong hoàn cảnh các cháu, các cô giáo chưa thể quay lại trường, cô Thơm bộc bạch: "Năm nay dịch, công nhân về quê hết rồi không biết ít bữa học sinh có lên học lại không. Tôi chủ yếu quán xuyến vòng ngoài nhưng ngày nào cũng ra trường, ra trễ tí là tụi nhỏ ngóng. Tiếp xúc với các cháu vui lắm, tôi như trẻ lại. Mấy tháng nay nghỉ dịch buồn lắm. Tôi mà ra là tụi nhỏ líu ríu bám lấy chân, lấy tay, thương lắm. Mùa dịch, mấy cô giáo cũng khó khăn, tôi giúp người ít để động viên nhau vượt qua mùa dịch".
Khi dịch bệnh tại TPHCM căng thẳng vào tháng 6/2021, cô Thơm và các con, cháu dùng bếp ăn của trường để nấu cơm, làm bánh gửi tặng lực lượng trực chốt kiểm soát và bà con ở các khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa trên địa bàn phường và lân cận.
Sau đó, khi TPHCM siết chặt lệnh giãn cách xã hội, cô chuyển sang mua gạo về phát cho bà con gặp khó khăn, hỗ trợ các gian hàng 0 đồng. Trong thời gian TPHCM bùng phát đợt dịch lần thứ 4, gia đình cô đã tự mua và vận động thêm từ bạn bè, người thân phát được 50 tấn gạo.
Dù tích cực thực hiện các quy định phòng chống dịch nhưng dịch bệnh lây nhiễm nhanh chóng, 8 thành viên trong gia đình cô bị nhiễm Covid-19. Bản thân cô Thơm và 2 người con phải vào bệnh viện điều trị. 5 người còn lại được tự điều trị tại nhà. Cả gia đình trải qua nhiều lo lắng và hoang mang.
Cô Thơm kể: "Lúc đầu tôi với con cái trong nhà nấu cơm hỗ trợ khu cách ly. Sau đó không nấu nữa chuyển sang phát gạo. Vì mua từ vựa ở miền Tây về nên người ta chở từng bao 50kg đến. Vậy là cả nhà xúm hết lại phân ra từng túi 5kg. Cả ngày, người đóng, người liên hệ rồi chở đến giao ở các địa chỉ từ thiện để phát cho bà con. Tôi nhớ đến đầu tháng 8, mọi người vẫn còn đang phân gạo nhưng ai cũng cảm thấy mệt mỏi quá. Vợ chồng con gái mua que về test nhanh thì bị dương tính với Covid-19. Sau đó, test nhanh hết cho cả nhà thì có 8 người bị dương tính. Lúc đó đang là đỉnh dịch, tôi xem báo đài thấy số lượng người tử vong ngày càng cao. Bệnh viện thì quá tải. Mọi người ai cũng lo lắng. Lúc đó, tôi phải tự trấn an, mình phải vô tư động viên cho con cái. Hết đau, mình lại làm tiếp chứ không sao cả".
Nhờ tấm lòng thơm thảo và nhiều ân tình đã gieo, may mắn đã mỉm cười với cả gia đình cô Thơm. Mọi người đã khỏi bệnh và vượt qua cơn nguy nan. Ngay cả thành viên nặng nhất, phải thở oxy liều cao cũng bình phục và xuất viện trở về trong niềm vui chung.
Vừa khỏi bệnh, gia đình cô lại tiếp tục công việc sẻ chia với bà con lao động nghèo, chuẩn bị hàng hóa mang tặng bà con đồng hương Thái Bình tại TPHCM, trao 2 suất học bổng cho ngày "Phụ nữ vì cộng đồng" …
Cô Thơm còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Trường mầm non Hoa Hồng. Hằng năm cô thường xuyên ủng hộ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai do Hội LHPN địa phương phát động, ủng hộ học bổng Nguyễn Hữu Thọ để chăm lo cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Cô cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện khác.
Suốt nhiều năm qua, cô trao yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn bằng tất cả trái tim bao dung và sự thấu hiểu như cô từng nói: "Tôi vào Sài Gòn với 2 bàn tay trắng và nhận nhiều ân tình mà có ngày hôm nay. Tôi hiểu được "một miếng khi đói bằng một gói khi no", giúp được ai thì tôi sẽ giúp".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn