Là một giáo viên, anh Hà Đình Lực (Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) rất quan tâm đến việc hướng dẫn các em nhỏ kiến thức, kỹ năng sáng tạo, tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống, từ đó các bé biết tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Đó cũng là lý do anh đã có sáng kiến tái chế rác thải sinh hoạt thành nước tẩy rửa enzyme, có thể sử dụng làm nước lau sàn nhà, nước rửa bát thay thế hoàn toàn nước tẩy rửa hóa chất.
Với sáng kiến này, gia đình anh Hà Đình Lực đã giành giải nhì Cuộc thi "Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Anh Hà Đình Lực chia sẻ, cách tái chế này sẽ giúp các gia đình giảm thiểu chi phí mua nước tẩy rửa hóa chất, giảm thiểu nhiều rác thải mang đi chôn lấp gây ô nhiễm. Hơn hết, cách làm dung dịch tẩy rửa hữu cơ này khá đơn giản, dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện ngay tại gia đình mình.
- 1 nắm bồ hòn (quả bồ hòn sẽ giúp dung dịch tẩy rửa có nhiều bọt và tăng tính tẩy rửa mạnh hơn)
- 4 cây sả
- 20 vỏ trái cây họ bưởi các loại (bưởi, cam, chanh, quýt... )
- Nhặt và rửa sạch củ sả, cắt thành khúc cỡ 1 cm.
- Vỏ trái cây rửa sạch, cắt miếng nhỏ cỡ 1-2 cm.
- Cho tất cả các nguyên liệu vào chai nhựa (nên chọn loại chai dung tích 5 - 6 lít trở lên)
- Cho nước sạch vào khoảng 2/3 bình rồi đậy kín nắp. Sau vài ngày cần kiểm tra. Nếu chai căng thì mở nắp để thoát bớt hơi. Sau 1 tháng có thể chắt nước ra sử dụng.
Sau đó lại tiếp tục đổ nước vào ngâm 2 tháng. Khi nước đã hết đặc có thể bổ sung thêm vỏ trái cây.
Tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống giúp trẻ em học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, biết tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
- Dùng làm nước rửa bát: Có thể dùng trực tiếp hoặc hòa 20 phần nước enzyme với 1 phần nước rửa bát thông thường để rửa.
- Dùng lau nhà vệ sinh, lau bếp: Vẩy dung dịch này lên bề mặt bếp, chậu rửa, bồn cầu, nền nhà vệ sinh. Đợi vài phút rồi bắt đầu dùng giẻ hoặc bàn chải để lau, cọ. Sau đó tráng lại bằng nước sạch.
- Dùng lau sàn nhà: Hòa 1 phần dung dịch này vào nước sạch rồi lau nhà. Nhà sẽ ngát hương trái cây cả ngày.
Dung dịch này có thể sử dụng trong khoảng 3 tháng. Lưu ý, nên sử dụng các loại trái cây của Việt Nam và rửa sạch trước khi ngâm.
Anh Hà Đình Lực cho biết, sáng kiến này được anh chia sẻ tới khá nhiều bạn bè, người thân để triển khai và duy trì liên tục đến nay. Trong đó, có một trường học ở Hà Nội đã tổ chức cho học sinh làm nước tẩy rửa enzyme để bán cho phụ huynh gây quỹ kế hoạch nhỏ. Từ sáng kiến này, gia đình anh mong muốn sẽ lan tỏa những việc là tích cực để bảo vệ môi trường, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên nhiên, biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn