Gia Lai: Phần lớn phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ đến bệnh viện sinh con khi có biến chứng

18:32 | 20/04/2023;
Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho toàn dân, tuy nhiên vẫn còn có sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư khác nhau.

Gần 5.000 dân nhưng chỉ có 2 cô đỡ thôn bản

Hnhach, một trong 2 cô đỡ thôn bản của xã De Ar cho biết, trong năm 2022, cô đã đỡ được cho 24 ca đẻ tại nhà. "Làm cô đỡ thôn bản vất vả lắm nhưng em luôn sẵn sàng đi đỡ đẻ. Em cảm thấy mình đã giúp được bà con" – Hnhach chia sẻ.

Theo Hnhach, ở đây, phần lớn người dân tộc Ba Na không muốn sinh con ở bệnh viện. Họ cảm thấy xấu hổ khi sinh trước người lạ. Phong tục của người Ba Na là người phụ nữ sinh con tại nhà và ở một cái chòi bên ngoài. Hơn nữa, đi bệnh viện xa lắm, họ không có tiền mua xăng để đi lại và trang trải cho các dịch vụ chăm sóc. Đó cũng là những khó khăn cản trở người phụ nụ đi khám thai và đến bệnh viện để sinh con.

Phụ nữ dân tộc chỉ đến bệnh viện sinh con khi… có biến chứng - Ảnh 1.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam đi đánh giá thực địa tại xã De Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cuối tháng 3/2023

Hnhack là một trong số ít cô đỡ thôn bản và nhân viên y tế ở Gia Lai được tham dự tập huấn do Dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam" do UNFPA thực hiện, nhằm nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình cũng như nâng cao kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi.

Tuy nhiên, Hnhack khẳng định rằng để thay đổi được những thói quen, tập quán sinh đẻ tại nhà của đồng bào dân tộc ít người, hoạt động truyền thông cần phải được thiết kế để thay đổi hành vi không chỉ những người phụ nữ đang mang thai mà còn cả chồng họ, mẹ chồng của họ, chính quyền thôn, xã và những người có ảnh hưởng trong thôn như già làng.

Phụ nữ dân tộc chỉ đến bệnh viện sinh con khi… có biến chứng - Ảnh 2.

Xã De Ar có 4.800 dân, có 7 thôn nhưng chỉ có 2 cô đỡ thôn bản và 5 nhân viên y tế. Trưởng Trạm y tế xã De Ar, cô Lê Thị Nguyệt cho biết: "Tại xã De Ar, có hơn 100 ca sinh con trong năm 2022 và gần 90% ca là sinh tại nhà. Chỉ một nửa trong số họ đi khám thai. "Chúng tôi thực sự cần được đào tạo thêm cô đỡ thôn bản và nhận thêm dụng cụ và trang thiết bị y tế cũng như tài liệu truyền thông để hỗ trợ công việc của chúng tôi" - cô Lê Thị Nguyệt cho hay.

Nỗ lực giảm thiểu ca tử vong mẹ tại những vùng khó khăn

Ông Lê Đức Thọ, Phó Trưởng khoa Khoa sản, Bệnh viện đa khoa Gia Lai cho biết, phần lớn phụ nữ dân tộc đến bệnh viện đẻ khi có biến chứng. Ông cho biết: "Tỷ lệ phụ nữ dân tộc ít người đi khám thai rất thấp. Họ chỉ đến bệnh viện khi họ có vấn đề. Tương tự tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của đồng bào dân tộc ít người cũng rất thấp, vì thế họ có rất nhiều con".

Hiện nay trên thế giới, cứ 2 phút thì có một phụ nữ tử vong khi sinh con và hầu hết những ca tử vong này đều có thể ngăn chặn được. Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm xuống 46 ca trên 100.000 ca sinh sống. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao gấp 2 – 3 lần ở khu vực dân tộc ít người, đặc biệt là khu vực trung du và miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên.

Phụ nữ dân tộc chỉ đến bệnh viện sinh con khi… có biến chứng - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai tại xã De Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đang được trang bị kiến thức sinh sản

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho biết, từ tháng 6/2021, UNFPA đã thực hiện Dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người ở Việt Nam", nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giảm tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc ít người (tại các tỉnh Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai). Dự án nhận tài trợ từ MSD với tổng số tiền là 1,2 triệu USD và từ UNFPA với số tiền là 820.000 USD.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và Bộ Y tế, các can thiệp và hoạt động của dự án đã bước đầu đem lại những tác động tích cực trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng và nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn cho phụ nữ các dân tộc ít người tại các xã trọng điểm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Các can thiệp của dự án đã bước đầu cải thiện chất lượng các dịch vụ tại các cơ sở y tế thông qua hỗ trợ các trang thiết bị y tế và đồng thời hỗ trợ nâng cao nhân thức của người dân về làm mẹ an toàn thông qua các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn được dự án tiếp tục hỗ trợ để chúng tôi có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đồng bào các dân tộc ít người".

"2030 là mốc các quốc gia trên thế giới cam kết sẽ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các tiến bộ về sức khỏe bà mẹ trên thế giới hiện đang bị chững lại, đặc biệt sau 3 năm đại dịch Covid-19. UNFPA tiếp tục cộng tác với Chính phủ Việt Nam, MSD và các đối tác khác để thúc đẩy tiến trình này nhằm hướng tới không có ca tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được, không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng" - bà Naomi Kitahara cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn