Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời

An Khê
15/03/2023 - 14:11
Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời

Cô đỡ thôn bản Chị Vàng Thị Mỉ (phải) tư vấn cho gia đình có con nhỏ về chế độ dinh dưỡng

Ở vùng cao, những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trạm y tế hay bệnh viện đều xa, người duy nhất mà những sản phụ nơi đây có thể trông cậy trong cơn trở dạ là những cô đỡ thôn bản. Chị Vàng Thị Mỉ (sinh năm 1998), cô đỡ ở bản Hang Hóc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, từng nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón những đứa trẻ ra đời.

Nếu như ai đó cho rằng, cô đỡ thôn bản là những người "nối dài" cánh tay của ngành y tế, thì quả đúng như vậy. Những người như chị Mỉ không chỉ góp phần thực hiện bình đẳng giới mà còn góp phần tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời - Ảnh 1.

Chị Mỉ (giữa) hướng dẫn cách chăm sóc bé sơ sinh tại nhà

Chị Vàng Thị Mỉ là người dân tộc Mông, cũng như bao người phụ nữ khác ở xã Chiềng Hặc, chị Mỉ ngày ngày lên nương làm rẫy. Thế nhưng cứ thấp thoáng bóng ai đó hớt hải chạy lên nương kêu về đỡ đẻ, là chị vội vã bỏ cái cuốc, con dao đôn đáo chạy về.

Bước sang tuổi 25 nhưng chị Mỉ đã có thâm niên 5 năm làm "cô đỡ" với 20 ca mẹ tròn con vuông. Chia sẻ một kỷ niệm mà mình nhỡ mãi, chị kể, đó là một người mẹ trẻ đã được chị Mỉ khám thai tại nhà và tư vấn cho đi khám ở trạm xá. Trong thai kỳ thai phụ hay đau bụng. Hôm ấy, sau khi ăn tối xong thai phụ bị đau bụng, nhưng không nghĩ là sắp sinh. Ăn cơm xong hai vợ chồng còn đi ngủ, mãi cho đến lúc thai phụ đau quá nên cho người sang gọi chị Mỉ.

Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời - Ảnh 2.

Bước sang tuổi 25 nhưng chị Mỉ (trái) đã có thâm niên 5 năm làm "cô đỡ" với 20 ca mẹ tròn con vuông

Từ nhà chị Mỉ sang nhà thai phụ khá xa, trời thì mưa, trong đêm tối chị Mỉ không thể đi nhanh được nên chị nhờ chồng đưa đi. Khi vợ chồng chị Mỉ đến nơi thì thai phụ đã vỡ ối. Chị khám xong đề nghị gia đình đưa thai phụ đến trạm xá, nhưng người mẹ chồng không đồng ý vì không có tiền.

Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời - Ảnh 3.

Chị Mỉ và sản phụ

Hai vợ chồng chị rất lo lắng, vừa đo huyết áp cho thai phụ vừa gọi điện đến trạm xá để nghe hướng dẫn và tư vấn trường hợp này. Chị làm theo hướng dẫn để thai phụ dặn đẻ. Với sự hỗ trợ của người nhà thai phụ, chị Mỉ đã giúp thai phụ sinh con an toàn.

"Vì thai to nên tôi phải rất cố gắng để hướng dẫn thai phụ dặn đẻ đúng cách. Sau 30 phút thì mẹ tròn con vuông, bé sinh ra khỏe mạnh và khóc to nên tôi rất mừng. Nhưng đêm đó vợ chồng tôi chưa dám về mà ngủ lại nhà sản phụ để theo dõi, cho đến khi sức khỏe của 2 mẹ con đều ổn, vợ chồng tôi mới yên tâm đèo nhau về", chị Mỉ chia sẻ.         

Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời - Ảnh 4.

Đa số các bà mẹ khi đau đẻ đã biết đến bệnh viện để sinh nhưng vẫn còn một số người do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên vẫn sinh tại nhà

Chị cũng cho biết, xã Chiềng Hặc là một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Người dân nghèo, dân trí thấp, các bản lại cách xa nhau tới 13 đến 14 km, đường đi chủ yếu là đồi núi dốc, đi lại rất khó khăn. Đa số các bà mẹ khi đau đẻ đã biết đến bệnh viện để sinh nhưng vẫn còn một số người do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên vẫn sinh tại nhà. Họ cần giúp khám thai, đỡ đẻ và tư vấn tại nhà các kiến thức dinh dưỡng khi mang thai và nuôi con.

Vất vả là thế, nhưng làm "cô đỡ" cũng không được phụ cấp bao nhiêu, mà nhiều ca gia đình sản phụ không có tiền, chị Mỉ còn phải phụ giúp thêm về mặt y tế. Đi cả chặng đường dài, bất kể mưa gió, trời đông lạnh hay đêm tối, chăm sóc từ 10 đến 12 ca trong suốt 3-4 tháng mới có thu nhập 2 triệu đồng nhưng một năm nay thì chế độ phụ cấp này cũng không còn.

Thấy chị Mỉ vất vả, nhiều khi người nhà khuyên chị nghỉ. Nhưng cứ nghĩ nếu mình nghỉ bà con không biết trông cậy vào ai, chị lại quyết tâm làm "cô đỡ".

Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần đi trong đêm, vượt đường xa để đón đứa trẻ ra đời - Ảnh 5.

Chị Mỉ cũng mong muốn có y bác sĩ đến tư vấn chăm sóc trước sinh, sau sinh và khám thai tại nhà cho phụ nữ vùng cao sinh sản an toàn hơn

Chị mong mỏi chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến các "cô đỡ" vùng cao để họ yên tâm phụ giúp ngành y tế và giúp phụ nữ sinh con an toàn. Chị Mỉ cũng mong muốn có y bác sĩ đến tư vấn chăm sóc trước sinh, sau sinh và khám thai tại nhà cho phụ nữ vùng cao sinh sản an toàn hơn.

Có thể thấy, "cô đỡ thôn bản" đã đóng góp rất nhiều, hy sinh rất nhiều vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chị đã giúp cho các sản phụ và người chồng nhận biết kiến thức về chế độ dinh dưỡng, lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, nhận biết các dấu hiểu nguy hiểm khi mang thai và sinh con. Qua đó, giáo dục sức khỏe khi mang thai cho phụ nữ và từ đó giúp người chồng nhận biết việc chủ động cần giúp vợ và để vợ nghỉ ngơi nhiều hơn khi mang thai và sau sinh.

Mặc dù còn khó khăn, vất vả, chế độ phụ cấp lúc có, lúc không, nhưng nhiều "cô đỡ" tại khắp các thôn, bản vùng cao vẫn gắn bó với công việc vì tình cảm, trách nhiệm với đồng bào mình. Nghe những tâm sự của họ để thấy được sự vất vả, nhưng những gì mà "cô đỡ" thôn bản đã làm được ở trên những mảnh đất vùng cao khó khăn thật đáng trân trọng, tự hào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm